Những năm qua, dù chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương ở ĐBSCL đã dùng nhiều biện pháp - từ tuyên truyền, giáo dục đến xử lý theo pháp luật - nhưng tình trạng khai thác tận diệt thủy sản vẫn không thuyên giảm.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau từng giao các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về thủy sản, nhất là không được sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện và phương pháp, phương tiện, ngư cụ có tính hủy diệt, tận diệt… để khai thác nguồn lợi thủy sản. Tỉnh còn vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Tỉnh Bạc Liêu cũng áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn, ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm và đưa ra các khung hình phạt cụ thể đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép mang tính chất tận diệt. Song, tình trạng này vẫn tái diễn…
Thủy sản ở nhiều vùng bãi bồi ven biển ĐBSCL thường xuyên bị khai thác kiểu tận diệt
Mới đây, tỉnh Kiên Giang đã có động thái kiên quyết hơn nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách thiết thực và toàn diện. Theo đó, từ ngày 1-7 đến hết năm 2023, Kiên Giang cấm khai thác, thu gom, sơ chế, chế biến, kinh doanh 4 loại hải sản: nghêu lụa, sò lông, sò huyết và hến tại các vùng ven bờ biển của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương thông báo đến chủ tàu cá, doanh nghiệp, cơ sở biết thời gian cấm khai thác, chế biến, kinh doanh 4 loại hải sản nêu trên. Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc không cấp giấy phép khai thác, giấy chứng nhận xuất xứ nghêu lụa trong thời gian này; tiến hành thống kê tình hình khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong 6 tháng đầu năm 2023 và điều tra thông tin, khảo sát... để tham mưu, đề xuất cho sở chỉ đạo tổ chức khai thác trong năm 2024...
Động thái mới của tỉnh Kiên Giang hứa hẹn sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt trên vùng biển Tây Nam.
Bình luận (0)