Theo UBND tỉnh Đồng Nai, gần đây, các khung chính sách đã được điều chỉnh thông thoáng hơn, điều này giúp tỉnh dễ dàng trong việc bắt tay vào triển khai thực hiện di dời KCN Biên Hòa 1 để chuyển đổi công năng.
Hai phương án đầu tư
Nêu lý do 12 năm vẫn chưa thể di dời KCN Biên Hòa 1, tại cuộc họp mới đây, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đồng Nai, cho biết do việc di dời, chuyển đổi công năng một KCN là chưa có tiền lệ nên nhiều bước phải trình Chính phủ xem xét và ban hành khung chính sách mới có thể tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, công tác kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm khá nhiều thời gian do trong KCN vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động cùng nhiều hộ dân đang sinh sống. "Đồng thời, tỉnh phải thực hiện xong các bước quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và đề nghị Chính phủ đưa KCN này ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam thì công cuộc di dời, chuyển đổi công năng mới có thể tiếp tục triển khai" - lãnh đạo Sở KH-ĐT lý giải.
KCN Biên Hòa 1 nằm ở trung tâm TP Biên Hòa, bên sông Đồng Nai
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết đến nay chỉ mới bồi thường giải phóng mặt bằng được hơn 50 trong tổng số khoảng 250 hộ dân trong khu vực dự án. Đối với các hộ dân trong diện giải tỏa này, các hộ bị giải tỏa trắng sẽ được TP Biên Hòa bố trí tái định cư. Riêng những doanh nghiệp thuê đất trong KCN thì phải đợi chính sách hỗ trợ ban hành để có cơ sở pháp lý áp dụng thực hiện dự án.
Còn theo UBND tỉnh Đồng Nai, sau khi sắp xếp các công đoạn, kế hoạch cùng các bộ phận liên quan, tỉnh đặt mục tiêu di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ vào năm 2025. Vị trí KCN Biên Hòa 1 nằm ở vùng đắc địa, tam giác ngã tư Biên Hòa - trục Quốc lộ 1, bên sông Đồng Nai, được xem là cửa ngõ TP HCM, nên khi chuyển đổi được kỳ vọng sẽ là khu đô thị lớn nhất tỉnh và hiện đại của vùng.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai xác định 2 phương án. Thứ nhất, đấu thầu những khu đất công để lấy tiền giải phóng mặt bằng các khu vực còn lại của KCN Biên Hòa 1. Thứ hai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho toàn bộ dự án. Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phải đẩy nhanh triển khai dự án, nhấn mạnh dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Riêng về việc chọn phương án đầu tư, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai giao Sở KH-ĐT phân tích kỹ 2 phương án nói trên, sớm báo cáo thực hiện.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tỉnh Đồng Nai đang thiên về phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho toàn dự án vì cho rằng như vậy có thể triển khai nhanh hơn.
Thành lập ban chỉ đạo
Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết KCN Biên Hòa 1 có tổng diện tích 324 ha. Năm 2009, Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương chuyển đổi công năng KCN này thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ nhưng đến năm 2014 mới phê duyệt đề án chuyển đổi cụ thể. Sau đó, tỉnh Đồng Nai giao UBND TP Biên Hòa thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực dự án, còn Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất của các tổ chức và hệ thống hạ tầng. Song song đó, các đơn vị liên quan xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, UBND TP Biên Hòa và Sở Xây dựng thực hiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phân khu và nghiên cứu báo cáo các quy hoạch liên quan để hoàn tất thủ tục pháp lý thực hiện dự án.
Theo hồ sơ, ngoài việc còn khá nhiều hộ dân đang sinh sống, hiện trong KCN Biên Hòa 1 còn có 83 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1, trong đó 78 doanh nghiệp vẫn còn thời hạn thuê đất, với tổng số khoảng hơn 21.000 lao động đang làm việc. Theo các cơ quan liên quan, một trong những vấn đề được cho là tạo nên rào cản, phải chờ đợi khung chính sách mới để thực hiện đó là việc bồi thường cho doanh nghiệp và người dân trong diện di dời nay đã dần được gỡ thì cơ hội đẩy nhanh dự án là điều dễ thấy.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, trong cuộc họp gần đây nhấn mạnh các cơ quan liên quan phải nhanh chóng tính toán, bắt tay ngay vào triển khai dự án với tốc độ nhanh thì mới có thể hoàn thành dự án như dự định. Bởi để như thời gian qua, dự án kéo dài cả hơn chục năm với nhiều tồn tại. "Dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 có tầm quan trọng về phát triển kinh tế, đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và còn tạo điểm nhấn hiện đại cho trung tâm đô thị Biên Hòa, nên cần phải được quan tâm đặc biệt..." - ông Hồ Thanh Sơn lưu ý.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết sắp tới tỉnh sẽ đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo dự án để thực hiện nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời chú trọng việc chọn lựa nhà đầu tư có năng lực.
Gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai
KCN Biên Hòa 1 là một trong những KCN lâu đời nhất tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1963 và có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Nai suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sau gần 60 năm hoạt động, KCN Biên Hòa 1 thực tế phải kết thúc sứ mệnh lịch sử, việc tồn tại của KCN Biên Hòa 1 đã và đang là một trong những tác nhân gây nên ô nhiễm cho sông Đồng Nai.
Bình luận (0)