Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) thường niên 2020 ngày 22-12, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn VBF - cho rằng nhiều cơ hội mới đã mở ra với cộng đồng DN trước những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh và tạo thuận lợi cho DN phát triển.
Nhiều dự báo cho thấy năm 2021, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay những "nút thắt" đang cản trở DN tận dụng cơ hội hội nhập từ các hiệp định thương mại. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN.
"Phản ánh từ các DN cho thấy đó là các lĩnh vực thủ tục hành chính về đất đai, thuế, BHXH, xây dựng, QLTT, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường" - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt khó trong đại dịch Covid-19 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, cần triển khai thực chất việc xây dựng chính quyền điện tử, trong đó ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu DN
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển DN, điện và năng lượng, cơ sở hạ tầng, thuế và hải quan, giáo dục và đào tạo, du lịch…
Đại diện các bộ, ngành đã làm rõ hơn nội dung mà các bên quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng DN.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khủng hoảng, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 có thể đạt 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới.
Ghi nhận đề xuất từ các DN, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ thực hiện nhất quán bình ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; thúc đẩy cầu tiêu dùng và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, cơ sở; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Thực hiện tốt các hiệp định thương mại đầu tư song phương và đa phương tận dụng cơ hội đầu tư quốc tế; chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với những thay đổi trong chính sách thương mại đầu tư của các nước khác.
Ông Kim HanYong, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam:
Phát triển lại điện hạt nhân
Để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, nguồn cung cấp điện ổn định là vấn đề quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần xem xét. Trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện 8, 2021-2030) đang xây dựng, việc mở rộng các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, sẽ là ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ theo đuổi.
Việt Nam đang ở thời điểm vô cùng thích hợp để cân nhắc phát triển điện hạt nhân, vốn đã bị ngưng lại trước đây trong quy hoạch trung - dài hạn. Chúng tôi tin tưởng có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cung cấp điện ổn định trong tương lai vì Hàn Quốc đã có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất của nhà máy điện hạt nhân.
Ông Tetsu Funayama, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam:
Đề xuất Chính phủ bảo lãnh hợp đồng PPP
Các nước đang phát triển đều có tình trạng chung là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chỉ lấy từ vốn đầu tư công của Chính phủ và nguồn vốn tư nhân trong nước tương đối hạn chế. Trong khi đó, phương thức đối tác công - tư (PPP) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân bổ nguồn vốn tư nhân của nước ngoài cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Để bảo đảm khả năng vay từ ngân hàng, chúng tôi đề xuất Chính phủ bảo lãnh thực hiện hợp đồng như bảo lãnh các khoản thanh toán của công ty nhà nước cho doanh nghiệp PPP.
Bình luận (0)