Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 31-10, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 14,7 độ vĩ Bắc; 127,7 độ kinh Đông, cách miền Trung Philippines khoảng 360 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (200-220 km/giờ), giật trên cấp 17.
An toàn công trình xung yếu
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Goni di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25 km.
Đến 13 giờ ngày 1-11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ vĩ Bắc; 122,5 độ kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17. Trong 24 đến 48 giờ tiếp, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào biển Đông.
Tại Nghệ An, nhiều tuyến đường sạt lở đang gây ách tắc giao thông . Ảnh: ĐỨC NGỌC
Để ứng phó với siêu bão Goni, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa; các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số: 1500/CĐ-TTg; 1503/CĐ-TTg của Thủ tướng và Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30-10 của Văn phòng Chính phủ về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn công trình xung yếu.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.
Các địa phương, bộ ngành tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để bảo đảm an toàn.
Không để ai bị đói rét
Từ ngày 29-10, tỉnh Nghệ An mưa lớn kết hợp việc các thủy điện đồng loạt xả lũ khiến các huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên… đến ngày 31-10 nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước.
Tính đến sáng 31-10, Nghệ An có hơn 12.600 nhà bị ngập, 29 xóm bị cô lập, 22 xóm bị chia cắt, 117 xóm bị ngập; gần 3.000 hộ dân phải di dời lo ngập lụt và sạt lở đất. Đã có 5 người chết và mất tích. Hàng loạt tuyến đường sạt lở...
Tại Hà Tĩnh, hàng ngàn căn nhà ở các huyện như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn, Thạch Hà, Vũ Quang… ngập sâu. Tại huyện Thạch Hà, do hồ Kẻ Gỗ tiếp tục xả lũ nên cơ quan chức năng đã di dời 394 hộ dân tại 2 xã Tân Lâm Hương và Thạch Đài.
Kiểm tra tại huyện Can Lộc vào ngày 31-10, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động phương án phòng chống bão lụt, sẵn sàng ứng phó với tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp; đồng thời khẩn trương giúp người dân vùng ngập lụt khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Huy động nhân lực, vật lực để giúp đỡ các hộ hoàn cảnh khó khăn, nhất là người già và trẻ em, các gia đình bị ngập lụt, không để một ai bị đói rét vì mưa lũ.
Chiều 31-10, lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã tìm thấy 2 nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thác Voi thuộc Lâm trường Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Hai nạn nhân là ông Đàm Văn Tuyên và Đàm Văn Vịnh (đều ngụ xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch). Trong đợt mưa lũ vừa qua, 2 người này đi rừng gặp lúc mưa lũ nên dừng nghỉ tại khu vực này.
Sáng 31-10, tàu kiểm ngư KN 467 đã lai dắt tàu cá BĐ 98658TS về bờ tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cùng 11 ngư dân đã bám trụ trong bão số 9 để cứu nạn một tàu đồng hương bị chìm khiến 12 ngư dân mất tích vào ngày 27-10. Tàu cá BĐ 98658TS do thuyền trưởng Lê Thanh Toàn (ngụ tỉnh Bình Định) là tàu đầu tiên tiếp cận tàu BĐ 96388TS. Theo thuyền trưởng Toàn, sau chuyến biển tàu đã mất hết ngư cụ, điều đáng buồn nhất là không cứu được tàu đồng hương gặp nạn dù đã xả hết tốc lực.
"Chúng tôi quần gần 2-3 giờ vẫn không thấy tăm hơi các ngư dân. Biển động dữ dội, chúng tôi mới quyết định trở về thì gặp sự cố sóng đánh vỡ đằng mũi, nước tràn khắp nơi. Khoang máy ngập nước biển, máy tàu lúc nổ lúc không, tính mạng các ngư dân ngàn cân treo sợi tóc. Chúng tôi nghĩ 90% là chết rồi" - thuyền trưởng Toàn cho biết.
Khẩn trương tiếp tế lương thực cho dân
Cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Quảng Nam vẫn huy động lực lượng, phương tiện để tiến hành thông các tuyến đường ĐH1, ĐH 2 vào cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế lương thực cho dân đang bị cô lập tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành thuộc huyện Phước Sơn. Hệ thống ròng rọc vượt sông Đăk Mi nối xã Phước Công với Phước Lộc; hệ thống tời lên đỉnh núi Chim để đưa hàng từ xã Phước Kim lên xã Phước Lộc cũng đã được làm khẩn trương để dự kiến ngày 1-11 sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào tiếp tế các xã trên.
Tại cuộc họp sáng 31-10, Sở Chỉ huy tiền phương cứu hộ, cứu nạn tại huyện Phước Sơn cho biết một số xã ở huyện này lương thực, thực phẩm sắp cạn kiệt, nguy cơ thiếu đói, thiếu muối, thiếu áo quần mặc. Xã Phước Lộc còn chưa tới 4 tấn gạo, mì tôm nhưng cũng bị trôi hết xuống hồ; xã Phước Thành còn vài tạ gạo, khả năng thiếu cả muối, 41 hộ mất nhà đất, có người chỉ còn 1 bộ đồ, phải trú tại trụ sở xã.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, khẳng định việc tiếp tế lương thực cho những người dân ở Phước Thành, Phước Công là rất quan trọng. Theo đó, hiện tuyến đường từ Phước Sơn lên Phước Kim đã thông nhưng từ Phước Kim lên xã Phước Thành sạt rất nặng, không thể đi được, cần 2-3 tháng mới khắc phục xong. Vì vậy, ông Hà đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam tập trung lực lượng, phương tiện thông đường ĐH2 từ xã Phước Công lên xã Phước Lộc, sau đó tập trung thông về xã Phước Thành để đưa lương thực, thực phẩm cứu trợ dân xã này. Đối với vận chuyển hàng cứu trợ người dân xã Phước Lộc, ông Hà yêu cầu xây dựng 3 tổ đội dân quân tự vệ, xung kích. Hàng vận chuyển từ xã Phước Công vào đoạn chia cắt trên sông Đăk Mi, sau đó dùng ròng rọc tời qua sông và cõng vòng sau xã Phước Lộc. Tiếp đó, theo con đường mòn đi tầm 2,5 giờ để đến thôn 6 - nơi có vụ sạt lở khiến 11 người chết và mất tích.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng Phòng Quân huấn Sư đoàn Không quân 372 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, khẳng định điều kiện thời tiết cho phép bay từ 7 giờ đến 17 giờ, chở 1-1,2 tấn hàng bay tầm 1 giờ từ sân bay Đà Nẵng lên tiếp tế cho người dân ở các xã bị cô lập.
Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, khẳng định hiện ở sân bay Đà Nẵng đã tập kết 20 tấn gạo, 10 tấn nhu yếu phẩm và đề nghị lực lượng Không quân vận chuyển bằng máy bay vào cứu trợ cho người dân.
"Dự kiến những cơn bão tiếp theo thì các xã vùng cao Phước Sơn sẽ bị chia cắt, cô lập trong thời gian rất dài nên Sư đoàn 372 cố gắng bay thả hàng cho dân" - ông Thành đề nghị. Ông cũng yêu cầu việc vận chuyển lương thực, thực phẩm bằng đường bộ cần tổ chức theo từng trạm và phải bảo đảm an toàn cho lực lượng.
Bình luận (0)