Chiều 23-9, tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Hạn, mặn đến sớm ở mức cao
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 5 năm gần đây, ở ĐBSCL xảy 2 đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất, vào mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Đợt khô hạn, xâm nhập mặn năm 2019-2020 đã ảnh hưởng đến 16.500 ha lúa vụ mùa (trên đất lúa tôm), chủ yếu tại tỉnh Cà Mau. Còn vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích lúa toàn vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khoảng 41.900 ha/1.541.000 ha. Diện tích cây ăn quả thiệt hại của Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng khoảng hơn 25.000 ha. Vùng giáp biển thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng bị ảnh hưởng hơn 13.000 ha. Tiền Giang, Vĩnh Long là vùng trọng điểm phát triển cây ăn trái của ĐBSCL, có khoảng 8.800 ha bị ảnh hưởng…
Theo Bộ NN-PTNT, do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông, nguồn nước về vùng đang bị thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao đến nghiêm trọng trong mùa khô năm 2020-2021.
Dự kiến đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 chủ yếu ở các tỉnh ven biển. Tổng diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2020-2021 có nguy cơ bị ảnh hưởng chiếm khoảng 5,3% đến 6,1% của vùng. Hạn, mặn có thể làm ảnh hưởng từ 14% đến 23% diện tích cây ăn quả toàn vùng, khoảng 80.000 ha. Bên cạnh đó, dự kiến có khoảng 70.600 hộ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng nhận định tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt trong mùa khô 2020-2021, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL. Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nước dẫn đến mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, có nguy cơ sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đến thăm bà con nông dân trồng sầu riêng ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Phát huy tinh thần "bốn tại chỗ"
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020, hạn mặn ở khu vực ĐBSCL dự báo nặng nề hơn so với 2019. Do đó, cần những biện pháp phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này. Đặc biệt phải chủ động ứng phó, xử lý tốt nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu ngay từ bây giờ.
"Hiện nay đang vào mùa mưa nên chúng ta phải tích trữ nước ngọt nhằm bảo đảm đủ nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cho dân, không để người dân thiếu nước trong năm sau. Các địa phương cần có kế hoạch chủ động, chuẩn bị trữ nước ngọt, dụng cụ chứa nước để bảo đảm cho người dân đủ nước. Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông cho dân chủ động ứng phó với hạn, mặn. Mỗi người cần chủ động trữ nước cho mình trước" - Thủ tướng chỉ đạo.
Về nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị tập trung làm tốt công tác truyền thông đến từng gia đình; thông tin chính xác, đầy đủ đến người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn là hiện hữu ở ĐBSCL trong mùa khô để người dân chủ động có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Thủ tướng chỉ đạo phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cũng phải phát huy tinh thần "bốn tại chỗ", bắt đầu "từ người dân, từ cơ sở là chính" như phòng chống thiên tai nói chung. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Bộ NN-PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước. Bộ NN-PTNT chủ động hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chỉ thực hiện gieo sạ lúa ở những nơi bảo đảm về nguồn nước tưới để tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô; không để bất kỳ người dân nào thiếu nước sinh hoạt, không để người dân phải dùng nước không bảo đảm vệ sinh; hướng dẫn các địa phương có phương án trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, trữ nước quy mô hộ gia đình, quy mô thôn, ấp, xã, phường, huyện, tỉnh.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đến khảo sát vùng chuyên canh sầu riêng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng ghi nhận kiến nghị của người dân, giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu chính sách liên quan đến việc đầu tư các công trình ngăn mặn, hỗ trợ nông dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sầu riêng cho vùng chuyên canh này.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Về một số nhiệm vụ lâu dài, Thủ tướng đề nghị cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là về khoa học và công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới… trong phòng chống xâm nhập mặn. Thủ tướng đề nghị Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đẩy nhanh nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện, cũng như việc tăng cường sử dụng nước tại các nước thượng nguồn Mê Kông đến ĐBSCL để có các giải pháp ứng phó phù hợp.
Ngoài ra, các địa phương tập trung rà soát lại phương án sản xuất nông nghiệp, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đầu tư xây dựng các công trình để chủ động kiểm soát mặn, trữ nước ngọt. Các bộ và địa phương cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn xây bể trữ nước cho sinh hoạt.
Bình luận (0)