Tại TP HCM, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) bắt đầu đưa vào hoạt động từ tháng 10-2018. Hiện một số trạm thu phí trên địa bàn TP như BOT An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), trạm BOT cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (quận 2), nhà đầu tư đã triển khai các làn thu phí ETC trên cả 2 chiều lưu thông.
Nhưng theo thống kê, tỉ lệ xe sử dụng hệ thống này rất thấp, lần lượt khoảng 3,66% trên tổng các các phương tiện lưu thông tại BOT An Sương - An Lạc, và 24% ở BOT cầu Phú Mỹ.
Trạm BOT cầu Phú Mỹ - tỉ lệ xe sử dụng hệ thống ETC hiện chỉ khoảng 24% trên tổng số các xe qua trạm
Dù đánh giá việc triển khai hệ thống thu phí ETC là sự tiến bộ lớn, giúp người dân, DN vận tải tiện lợi hơn nhiều, cũng như giúp việc quản lý, dòng tiền minh bạch hơn tại các dự án BOT, nhưng theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hoá TP HCM, việc triển khai hệ thống này bộc lộ nhiều bất cập khiến DN không mặn mà.
Thứ nhất, ông Quản cho rằng việc nạp tiền trước vào tài khoản giao thông để sử dụng dịch vụ ETC như một hình thức chiếm dụng vốn. Bởi trường hợp mua phí tháng, DN thường phải trả cả tỉ đồng vào tài khoản trước khi xe chạy, gây đọng vốn. Trong khi với khoảng 3,5 triệu ôtô ở cả nước hiện nay, số tiền nhà đầu tư cung cấp dịch vụ ETC thu trước của các DN, chủ xe là không hề nhỏ.
Vì vậy theo ông Quản, đơn vị thu phí cần có thêm hình thức trả sau và quy định lại về mức giá. Cụ thể là nếu sử dụng tài khoản trả trước, mức phí phải thấp bởi đơn vị cung cấp dịch vụ đã thu trước tiền của DN, chủ xe. Ngược lại, nếu trả sau thì giá cao hơn vì đối tượng sử dụng đã lấy vốn từ bên cung cấp dịch vụ. Như vậy mới tạo "sòng phẳng" và có sự đồng thuận cao.
Thứ hai, ông Bùi Văn Quản phân tích một chuyến xe chạy từ Nam ra Bắc, phí BOT bình quân chiếm gần 30% tổng chi phí. Do đó, ở hệ thống ETC cần có hoá đơn, chứng từ đưa lại cho doanh nghiệp, chủ xe để được trừ thuế.
Việc dán thẻ thu phí không dừng (ETC), hiện trong 3,5 triệu xe thuộc đối tượng dán thẻ ở cả nước, chỉ mới có khoảng 800.000 - 900.000 xe thực hiện
Thứ ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM nêu vấn đề hiện nay, việc triển khai hệ thống thu phí ETC vốn đang khuyến khích, mời gọi DN, chủ xe sử dụng, tuy nhiên các thủ tục, công nghệ... lại rườm ra, không thuận tiện. Vì vậy, cần có phương án đơn giản hóa các thủ tục, cũng như tạo sự tiện lợi hơn như có thể cho người dùng đăng ký mở tài khoản trực tuyến, thanh toán qua tài khoản ngân hàng...
Thứ tư, ông Bùi Văn Quản nêu vấn đề việc triển khai hệ thống thu phí ETC cần thống nhất một loại thẻ dùng chung cho tất cả các trạm BOT. Bởi hiện nay, bất cập lộ rõ là trạm này sử dụng một loại thẻ, trạm kia sử dụng thẻ khác, gây phiền hà. Chưa kể hiện các dự án BOT, có trạm có, trạm không trong việc triển khai hệ thống ETC, rất bất tiện nên DN không mặn mà.
"Khi thực hiện những giải pháp trên sẽ tạo đồng thuận rất lớn cho chủ xe, DN vận tải. Và cần làm những giải pháp đó trước, mới tính đến việc quy định bắt buộc các ôtô phải sử dụng hệ thống thu phí ETC" - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM nhìn nhận.
Bình luận (0)