xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thu phí không dừng, bao giờ?

Văn Duẩn

Dù để xảy ra chậm tiến độ triển khai thu phí không dừng theo yêu cầu của Chính phủ nhưng Bộ Giao thông Vận tải chỉ "nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm"

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC; gọi chung là thu phí không dừng).

Ba lần họp kiểm điểm

Báo cáo cho biết Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội cũng như Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí không dừng, yêu cầu chậm nhất đến ngày 31-12-2019, phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí BOT trên toàn quốc cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện thu phí không dừng. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện đã bị lùi từ ngày 31-12-2019 sang 31-12-2020.

Theo báo cáo, dự án ETC được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Hiện nay, trên toàn quốc có 93 trạm thu phí BOT. Trong đó, Bộ GTVT quản lý 74 trạm; UBND các tỉnh, thành quản lý 19 trạm. Dự án ETC được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ. Giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.

Thu phí không dừng, bao giờ? - Ảnh 1.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc quận Bình Tân, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về kết quả thực hiện, đến nay đã lắp đặt, vận hành từ 2-6 làn ETC tại 39/74 trạm BOT do Bộ GTVT quản lý. Riêng 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai do tắc vốn. Còn trong 19 trạm do địa phương quản lý, mới chỉ có 6 trạm đã đầu tư, kết nối và dự án giai đoạn 1; 7 trạm vẫn "án binh bất động".

Về việc dán thẻ thu phí không dừng (Etag), hiện trong 3,5 triệu xe thuộc đối tượng dán thẻ, chỉ mới có khoảng 800.000 - 900.000 xe thực hiện.

Báo cáo khẳng định tiến độ thực hiện hệ thống thu phí ETC chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Thủ tướng tại Quyết định 07. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu hàng loạt lý do khách quan lẫn chủ quan làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, trong đó có lý do quá trình đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng các chủ đầu tư BOT phát sinh nhiều vướng mắc. Vì lẽ trên, tại báo cáo, ông Thể nêu: "Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết ông đã chủ trì 3 buổi rà soát, kiểm điểm đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ triển khai ETC. Có 8 tập thể nghiêm túc kiểm điểm. Về cá nhân, Bộ trưởng Bộ GTVT và thứ trưởng phụ trách dự án tự nhận hình thức "nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm". Trong 30 cá nhân kiểm điểm, có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm; 6 cá nhân nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

Sửa Quyết định 07 để khai thông

Về lộ trình, người đứng đầu ngành giao thông nói phấn đấu cơ bản hoàn thành hệ thống thu phí không dừng trong năm 2020. Một trong những giải pháp quan trọng là ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến quá trình thực hiện dự án thông qua việc sửa đổi Quyết định 07, trình Thủ tướng ban hành. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Đầu tư đối tác công tư (PPP).

Trong khi đó, báo cáo tại cuộc họp giao ban tháng 5 của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì vào sáng 1-6, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), khẳng định sửa đổi Quyết định 07 là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh dự án ETC giai đoạn 1 và giải quyết vướng mắc giữa các nhà đầu tư BOT và BOO. Theo ông Thành, ngày 25-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp cuối cùng về sửa đổi những bất cập trong Quyết định 07. Dự kiến ngay tuần đầu tháng 6 sẽ ban hành quyết định mới.

Trước đó, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, cho biết điểm quan trọng nhất sửa đổi Quyết định 07 là thay vì duy trì 1 làn thu phí dừng cho xe chưa kịp dán thẻ Etag thì khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng. "Để giải quyết tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, các trạm sẽ phân làn thuần thu phí không dừng, xe nào đi vào làn này sẽ bị phạt theo Nghị định 100/2019" - ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, tại dự thảo sửa đổi Quyết định 07, Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ ETC thỏa thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí, thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động như đã nêu trong Quyết định 07. Ngoài ra, bổ sung quy định chế tài, bao gồm cả việc dừng thu phí đối với trạm BOT không thực hiện việc triển khai ETC đúng tiến độ yêu cầu.

Đồng thời, Bộ GTVT đề xuất bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp, hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến thanh toán điện tử liên ngân hàng. Với đề xuất này, chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phải bảo đảm quyền lợi, chia sẻ rủi ro của các bên tham gia

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho biết hiệp hội đã có văn bản góp ý cho việc sửa đổi Quyết định 07. Trong đó, đề nghị cần quy định toàn bộ số tiền thu được tại mỗi trạm thu phí ETC sẽ được nhà cung cấp dịch vụ trả cho nhà đầu tư BOT trước 9 giờ sáng của ngày hôm sau. Đồng thời, nhà cung cấp dịch vụ ETC cũng phải hoàn trả đầy đủ cho nhà đầu tư BOT các khoản thất thu do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC và có biện pháp chế tài nếu hoàn tiền chậm.

VARSI cũng kiến nghị doanh thu thu phí ETC được trích theo tỉ lệ của doanh thu thu phí theo hình thức ETC chứ không phải tính trên toàn bộ doanh thu. Nguyên tắc thu phí phải bảo đảm quyền lợi, chia sẻ rủi ro của các bên, nếu không giải quyết thì khó lòng thực hiện.

TP HCM: Trạm có, trạm không, doanh nghiệp không mặn mà

Tại TP HCM, hệ thống thu phí không dừng (ETC) bắt đầu đưa vào hoạt động từ tháng 10-2018. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, hiện nay trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (quận 2), nhà đầu tư đã triển khai các làn thu phí ETC trên cả 2 chiều lưu thông. Tuy nhiên, hệ thống thu phí ETC tại các trạm bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, đặc biệt là số lượng phương tiện sử dụng vẫn rất thấp. Tại trạm BOT An Sương - An Lạc, từ lúc đưa vào hoạt động năm 2018, lượng xe sử dụng dịch vụ ETC chỉ chiếm 3,66% trên tổng các các phương tiện lưu thông qua trạm. Còn tại trạm BOT cầu Phú Mỹ, tỉ lệ cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức 24%.

Sở GTVT TP HCM đánh giá nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc các ôtô phải dán thẻ Etag, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Ngoài ra, dù nhiều trường hợp có dán thẻ, mở tài khoản nhưng lại không nộp tiền. Thêm vào đó là việc liên thông giữa các trạm thu phí trên địa bàn TP HCM với các địa phương lân cận không đồng bộ, dẫn đến không hiệu quả.

Đánh giá về việc triển khai hệ thống thu phí ETC, đại diện nhà đầu tư BOT An Sương - An Lạc cho rằng đó là một chủ trương hoàn toàn đúng, bởi không chỉ giúp việc quản lý của cơ quan nhà nước hiệu quả hơn mà còn giảm chi phí vận hành của các doanh nghiệp (DN), tăng sự minh bạch. Do đó, cần giải quyết các vướng mắc, bất cập để sớm triển khai đồng bộ hệ thống này.

Nêu vấn đề khiến DN vận tải không mặn mà dán thẻ, trả phí tự động, ông Nguyễn Văn Khánh, chủ một DN container tại quận 9, cho rằng nếu một DN có vài trăm xe, trước khi xe chạy sẽ phải nạp tiền lên đến cả tỉ đồng. Trong khi đó, các trạm BOT triển khai hệ thống thu phí ETC chưa đồng bộ, trạm có, trạm không, nên càng khiến DN không mặn mà...

Sở GTVT TP HCM cho rằng đây là một trong những bất cập mà vừa qua sở có báo cáo, đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC đơn giản hóa thủ tục, nghiên cứu phương án cho phép người dùng đăng ký mở tài khoản trực tuyến và bổ sung phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng của cá nhân, DN, thay vì phải nộp tiền vào tài khoản trả trước như hiện nay.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đề xuất nghiên cứu sớm trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến việc bắt buộc các ôtô tham gia giao thông phải thực hiện dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi qua các trạm thu phí đã được triển khai.

Gia Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo