Sáng nay 28-4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (TP Hà Nội), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 - 1-5-2021), phát động Tháng Công nhân và phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và có bài phát biểu quan trọng. Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban ngành cùng tham dự sự kiện.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban ngành cũng tham dự sự kiện - Ảnh: Nguyễn Hải
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân thế giới, trong đó có đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam và ý nghĩa to lớn của Ngày Quốc tế Lao động 1-5.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, suốt 135 năm qua, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới luôn khẳng định vị thế cách mạng, đi đầu trong mọi trào lưu, xu hướng tiến bộ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động 1-5 đã trở thành ngày lễ quốc gia với Sắc lệnh số 22c do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào ngày 18-2-1946 và Sắc lệnh số 56 ngày 29-4-1946 quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1-5.
Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu
Tháng Công nhân năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển" gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong tháng công nhân, công đoàn các cấp sẽ tổ chức các chương trình như: "75 ngàn sáng kiến, vượt khó, phát triển" - tuyên dương đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; "Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ"; các hoạt động "Cảm ơn người lao động". Đến nay, Chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển" đã nhận được hơn 245 ngàn sáng kiến của công nhân, viên chức, lao động cả nước…
Hoạt động Tháng Công nhân qua 9 năm tổ chức, với phương châm "Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên", các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều chương trình như: "Mái ấm Công đoàn", "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình", "Phúc lợi đoàn viên"…
Nhờ có các chương trình này mà số công nhân lao động được chăm lo ngày càng nhiều hơn, tăng dần qua từng năm. Ước tính, đến nay đã có hàng chục triệu lượt công nhân lao động được thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe… trong dịp Tháng Công nhân với số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng.
Tại buổi Lễ, thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chính thức phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và tham gia của an toàn vệ sinh viên”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong tiến trình phát triển của Cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn. Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là sau 35 năm đổi mới, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các lực lượng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
"Chúng ta rất thấu hiểu sự khó khăn của công nhân lao động đã trải qua trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với dịch Covid-19. Công nhân, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút, cuộc sống đối mặt với nhiều khó khăn. Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch hậu quả, hoàn thành mục tiêu kép, để tạo ra nhiều việc làm, bù đắp mất việc làm, tạo sức bật lò xo cho nền kinh tế" - Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước đánh giá cao sự kết hợp cùng lúc tổ chức hai sự kiện là Phát động tháng Công nhân và phát động tháng An toàn lao động. Đây là sự kết hợp phù hợp thực tiễn, được mọi người đồng tình.
Theo Chủ tịch nước, hiện nay cả nước có trên 16 triệu công nhân, hàng năm sản xuất tạo ra 60% tổng sản phẩm trong nước và 7% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một bộ phận công nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Khảo sát cũng cho thấy, công nhân lao động có 12 vấn đề bức xúc. Dẫn đầu là tiền lương; việc làm...
Những người tham dự lễ kỷ niệm đều phải khai báo y tế và đeo khẩu trang
Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị các cấp công đoàn cần đổi mới hoạt động, đi sâu, đi sát đời sống công nhân lao động. Vui với niềm vui của công nhân, lao động, buồn với nỗi buồn của người lao động. Kịp thời lắng nghe giải quyết vấn đề tồn tại, công nhân bức xúc.
Công đoàn phải phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, lao động, gắn với mục tiêu nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp về chủ đề trong tháng công nhân và an toàn lao động.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 trong khu vực và thế giới, Chủ tịch nước yêu cầu không ai được phép lơ là, chủ quan, đồng thời kêu gọi toàn thể nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động, thực hiện khuyến nghị 5K của Bộ Y tế thực hiện phòng chống dịch.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các Bộ, Ngành, cấp ủy, Chính quyền, các đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp phối hợp với doanh nghiệp chăm lo cho đoàn viên, công nhân, lao động. Tạo ra nhiều vật chất, tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động, tạo quan hệ lao động hài hòa, phát triển doanh nghiệp.
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nhưng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2019, tình hình tai nạn lao động năm 2020 giảm ở chỉ số tai nạn lao động chết người và số vụ có 2 người bị thương nặng trở lên. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động diễn biến phức tạp. Số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Cụ thể, năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị nạn, 966 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản trên 6.000 tỉ đồng và hơn 150 ngàn ngày công. Số người bị tai nạn đến các cơ sở khám, điều trị là 24.095 người, trong đó khám điều trị lần đầu là 18.325 người, thực hiện sơ cấp cứu, không điều trị là 5.770 người.
Bình luận (0)