Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV
9 giờ sáng nay 22-10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khoá XIV đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đất nước đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên QH sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Thứ nhất, bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của QH về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ hai, QH sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Đây là những dự án luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo, trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được QH tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai để xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, trên cơ sở QH xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của QH.
Cũng tại kỳ họp này, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Thứ tư, QH sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Bình luận (0)