Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Dương, nhiều cử tri và đại biểu đã yêu cầu UBND tỉnh đánh giá một cách toàn diện các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ngày 15-7, trong phần trả lời chất vấn, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết đến 30-6-2022, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt 30,4% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Đây là dấu hiệu tích cực, khả quan, cao hơn so với cùng kỳ 5 năm gần đây khoảng 20% (cùng kỳ các năm 2017 đạt 22,7%, 2018 đạt 24,1%, năm 2019 đạt 20,9%, năm 2020 đạt 18%, năm 2021 đạt 19,3%).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh trả lời chất vấn của đại biểu
Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn thấp so với kế hoạch được giao do một số nguyên nhân như công tác chuẩn bị đầu tư, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư chưa tốt; nguồn nhân lực, năng lực phục vụ cho các công tác liên quan đến đầu tư công còn hạn chế; khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Theo ông Võ Văn Minh, trước những hạn chế của công tác đầu tư công trong năm 2021 và nhiều dự án trọng điểm có vốn lớn, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của thủ trương các các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư.
Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp như tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thẩm định giá đất kịp thời và hợp lý; chỉ đạo, phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng (điện, nước, viễn thông…). Cùng với đó, chủ động xây dựng khu tái định cư phục vụ cho công tác bồi thường, giải tỏa; sửa đổi, bổ sung các Quyết định 51/2014/QĐ-UBND quy định về chính sách, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định 38/2019/QĐ-UBND quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp, xin ý kiến Trung ương sớm có hướng dẫn việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đối với nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí của cấp huyện, xã; tiếp tục làm việc với từng chủ đầu tư, nhất là 4 Ban quản lý dự án thuộc tỉnh để chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn được bố trí… cũng là những đầu việc quan trọng tỉnh đã làm.
Tại kỳ họp, UBND tỉnh đã nhận 27 ý kiến của các tổ đại biểu và ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận kiến nghị một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Ngoài nội dung giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương còn trả lời một số vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân tại các dự án khu dân cư, nhà ở thương mại
Với những khó khăn, thách thức hiện nay của ngành y tế, ông Võ Văn Minh yêu cầu Sở Y tế khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh đến năm 2030; nghiên cứu chính sách về tiền lương, phụ cấp và các chính sách thu hút, giữ chân bác sĩ, nhân viên y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị công an tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay, "bảo kê" cho các cơ sở kinh doanh thực hiện hành hành vi trái pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên toàn địa bàn tỉnh.
Đối với giải ngân các gói an sinh xã hội, thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, ông Võ Văn Minh đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, lập và tiếp nhận danh sách xin hỗ trợ của công nhân, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tiền thuê trọ sớm đến tay người lao động. Ông cũng đề nghị thanh, kiểm tra doanh nghiệp đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, cũng như việc chấp hành các quy định về việc áp dụng mức lương tối thiểu...
Bình luận (0)