Thực tiễn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tỉ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Đây là nội dung được nêu trong báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc vào ngày 20-5.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký nêu rõ một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính. Tuy nhiên, kết quả triển khai còn nhiều hạn chế.
Có những địa phương, sau khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó chủ tịch tham gia tố tụng. Sau đó, Phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Đáng chú ý, có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi Tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Tòa án triệu tập.
"Tại một số địa phương, với phạm vi quản lý, điều hành lớn như TP Hà Nội, TP HCM, lãnh đạo UBND các cấp rất khó sắp xếp lịch làm việc theo Giấy triệu tập của Tòa án để tham gia tất cả các giai đoạn của các vụ án hành chính"- báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Qua theo dõi, Bộ Tư pháp cho biết, số lượng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong còn nhiều.
Gửi tới Quốc hội về nội dung này, Bộ Tư pháp cũng đã phân tích một số nguyên nhân của thực tế nêu trên. Theo đó, còn có tình trạng một số UBND chưa chủ động thi hành án hành chính, trong khi cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiến nghị thi hành án hành chính, thủ trưởng cấp trên đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tổ chức thi hành án nhưng cơ quan phải thi hành án vẫn chậm tổ chức thi hành.
Cơ quan tư pháp cũng cho rằng một số Chủ tịch UBND và UBND chưa thực sự quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính; thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác thi hành án hành chính là công việc của Cơ quan Thi hành án dân sự nên ủy quyền cho cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm thực hiện của UBND.
"Một số cơ quan, đơn vị là người phải thi hành án hành chính chưa thực hiện kịp thời và đầy đủ việc cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án cho cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật" - Bộ Tư pháp nêu rõ.
Do đó, Bộ Tư pháp kiến nghị tiếp tục chỉ đạo, quán triệt việc chấp hành nghiêm pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính đến Chủ tịch UBND, UBND các cấp. Đối với các trường hợp, qua kiểm tra xác định rõ có hành vi chậm thi hành án sẽ có giải pháp kiểm điểm xử lý nghiêm theo quy định.
Bình luận (0)