Buổi đối thoại do Tỉnh Đoàn Bình Dương tổ chức ngày 27-11 với sự tham dự của các sở ngành, trường học và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại chương trình, các ĐVTN đã đặt nhiều câu hỏi cho Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên, học viên sau khi ra trường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; dạy nghề lao động nông thôn hướng đến việc bảo tồn phát triển nghề truyền thống…
Đại học không phải là con đường duy nhất
Làm sao để tìm được một công việc phù hợp trong thời đại công nghiệp 4.0? - Đó là trăn trở của nhiều bạn ĐVTN tại buổi đối thoại. Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho rằng định hướng phát triển của Bình Dương là giảm thu hút các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường. Thay vào đó là những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật. Do đó, để phù hợp với xu thế, thanh niên phải đầu tư học tập, chuyển đổi việc làm phù hợp.
ĐVTN đặt câu hỏi cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Theo ông Tuyên, để định hướng phát triển nghề cho công nhân, chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030". Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để đào tạo nghề suốt đời cho công nhân. "Hiện nay, tâm lý chung của các bạn trẻ là phải vào đại học. Tuy nhiên, các bạn chưa nhận thức đúng về nguồn nhân lực chất lượng cao. Không phải cứ trình độ đại học, thạc sĩ thì mới là chất lượng cao mà ở đây chất lượng cao là những người có trình độ tay nghề hay đơn thuần chỉ là thông thạo một việc nào đó"- ông Tuyên nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, nói thêm Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
"Nhưng đa số các em vào các trường để tiếp tục nuôi ước mơ đại học. Do đó, hoạt động hướng nghiệp rất quan trọng"- ông Phong nói và phân tích thanh niên cần 4 định hướng rõ ràng. Đó là chọn trường phù hợp với năng lực của mình; phù hợp với kinh tế gia đình; phù hợp với năng lực sở trường của bản thân. Quan trọng hơn nữa là vị trí việc làm khi tốt nghiệp có dễ xin việc hay không.
Nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Một nội dung cũng được thanh niên quan tâm không kém là chính sách hỗ trợ để khởi nghiệp, bởi hiện này nhiều bạn vẫn loay hoay chưa biết làm sao để tiếp cận chính sách dù đã nghe nói rất nhiều.
Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bình Dương, cho biết, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp 826 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong chính sách này có nhiều nội dung hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như hỗ trợ về vốn, thành lập văn phòng, tư vấn…Đặc biệt, Bình Dương có Trung tâm Sáng kiến cộng đồng để kết nối, tư vấn giúp thanh niên hiểu hơn các vấn đề trước khi khởi nghiệp. "Gần đây cứ vào sáng thứ 3 hàng tuần tại đây có chương trình cà phê kết nối, nếu các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp có thể đến đây để tham khảo, tư vấn"- ông Châu chia sẻ.
UBND tỉnh Bình Dương và Tỉnh đoàn Bình Dương cũng đã ký kết chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy các hoạt động của thanh niên trong giai đoạn 2022 - 2027.
Theo ông Châu, các bạn trẻ khi ra trường có việc làm là đã khởi nghiệp, còn muốn làm chủ thì phải trải qua làm thuê, nếu không làm thuê thì không tích luỹ được kinh nghiệm. Ông Châu dẫn chứng, 1 "cậu ấm" mới ra đời đã làm ông chủ thì chỉ là ông chủ giả, vì có ba mẹ đứng phía sau lo cho hết. "Cho nên học xong phải đi làm mướn trước đi. Khi đủ kinh nghiệm, đủ vốn, hay nói cách khác là "đủ lông đủ cánh" thì mới nên nghĩ đến khởi nghiệp bước 2, bước 3"- ông Châu bộc bạch.
Thông tin thêm về hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương cho biết Sở đã ban hành kế hoạch 378, mục đích là đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị trong ngành và tổ chức, cá nhân tham gia về chuỗi giá trị nông nghiệp. Đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của ngành. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền tảng, thúc đẩy chuyển đổi tư duy từ "Sản xuất nông nghiệp" sang "Kinh tế nông nghiệp". Đồng thời, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Đối với các chính sách hỗ trợ nông nghiệp xanh, gồm hỗ trợ sản xuất Vietgap, trong đó hỗ trợ 100% chính sách đăng ký Viepgap... thời gian qua đã giải ngân trên 900 tỉ đồng. Hiện nay, các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh chưa hiểu hết chính sách thì liên hệ với Sở NN&PTNT tỉnh để được hỗ trợ.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết bất kỳ lĩnh vực nào cũng có sự tham gia của thanh niên. Do đó Đoàn thanh niên có nhiều việc để làm, đặc biệt là các chương trình đồng hành về nghề nghiệp việc làm, chăm lo cho sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân…
Ông Võ Văn Minh đề nghị thanh niên phát huy tinh thần tình nguyện, cống hiến
Ông Minh cho rằng Bình Dương đang tập trung tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số. Với lợi thế là lực lượng trẻ tuổi nên đoàn viên, thanh niên có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và không gian mạng. Đây cũng là đội ngũ trẻ để tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày
Theo ông Võ Văn Minh, các bạn trẻ phải không ngừng nỗ lực, kiên trì với con đường mình đã chọn trong học tập, trong làm việc và chuẩn bị thật tốt kiến thức cho công việc hiện tại và cho tương lai. "Trong quá trình học tập, làm việc phải hết sức cầu thị, học hỏi và xác định mục tiêu phấn đấu phải kiên định để làm cho tốt. Tôi cho rằng với thanh niên thì chúng ta nên phát huy tinh thần tình nguyện, cống hiến"- ông Minh nhấn mạnh.
Cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác mở ra
Hiện nay, do ảnh hưởng của thế giới, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, có nơi chỉ hoạt động khoảng 30-50% công suất, dẫn đến nhiều lao động bị mất việc làm, hoặc giảm giờ làm. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, trong đó ưu tiên kết nối cung cầu để tạo cơ hội việc làm mới cho người lao động.
"Cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác mở ra" - đó chính là thông điệp được đưa ra tại buổi đối thoại, bởi xu hướng phát triển công nghiệp 4.0 đòi hỏi mỗi người phải học hỏi, tự trau dồi nếu không sẽ bị đứng ngoài cuộc.
Bình luận (0)