Chia sẻ tại hội thảo An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường với phương tiện giao thông đường bộ do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức sáng 29-11, ông Nguyễn Quang Huy, Phòng Quản lý Vận tải Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, cho biết số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và tuổi đời phương tiện có mối liên hệ chặt chẽ. Nhưng việc kiểm soát, xử lý những phương tiện quá niên hạn còn rất khó khăn.
Chưa ai tự nguyện giao nộp xe cũ
"Quyết định số 16/2105 của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định từ ngày 1-1-2018, môtô, xe máy và ôtô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Song, việc quy định niên hạn hiện mới chỉ áp dụng với ôtô chở hàng và ôtô chở người, riêng với ôtô con (dưới 9 chỗ ngồi) và môtô, xe máy vẫn chưa có" - ông Nguyễn Quang Huy nói.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có khoảng 3,4 triệu ôtô và 50 triệu xe máy. Trong đó, TP Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy, TP HCM có khoảng 9 triệu xe máy thường xuyên tham gia giao thông. Mỗi TP còn có khoảng hơn 600.000-700.000 ôtô. Do có quá nhiều phương tiện lưu thông khiến 2 TP này ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là khi nhiều người không chăm sóc xe định kỳ, sử dụng xe quá cũ... Khí thải từ những phương tiện này góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Xe máy quá niên hạn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và thải khí gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: GIA MINH
TS Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT, cho biết các chất gây ô nhiễm không khí là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều bệnh khác. Đối với hệ hô hấp, môi trường có nồng độ CO cao sẽ gây ngạt thở, trong khi khí NO2 có thể ảnh hưởng xấu đến phổi. Cả 2 loại khí này đều được phát ra chủ yếu từ các phương tiện giao thông.
Ông Nguyễn Xuân Minh, đại diện Nhóm chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy, cho biết hầu hết các nhà sản xuất đều đã đầu tư địa điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ và thông báo trên website nhưng từ khi ra đời đến nay, chưa có người nào mang xe đến. "Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có quy định niên hạn ôtô dưới 9 chỗ và môtô, xe máy nên các cơ quan liên quan không có cơ sở pháp lý thu hồi. Ngoài ra, đối với người dân, giá trị một chiếc ôtô, xe máy vẫn khá lớn nên sau khi không dùng nữa đều tính đến chuyện mua đi bán lại thay vì nộp đến điểm thu hồi và tay trắng ra về" - ông Minh lý giải.
Theo ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam), mỗi năm, thị trường gia tăng khoảng 3 triệu xe máy. Trong khu vực ASEAN, tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam chỉ kém Singapore. "Dù vậy, nếu như ôtô được kiểm soát khí thải trong quá trình lưu hành thì xe máy lại khác và chỉ kiểm định lần đầu. Vì thế, xe máy cũ vẫn thoải mái lưu hành. Đây là điều bất cập" - ông Phong nhận định.
Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy đang lưu hành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 909 ngày 17-6-2010, với mục tiêu kiểm soát tại các đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2. Tuy nhiên, do Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa có quy định, chế tài nên chưa thể triển khai.
Luật hóa kiểm soát xe quá niên hạn
Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy theo đúng lộ trình tại Quyết định số 909 của Chính phủ. Từ đó, kiên quyết loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép. "Riêng TP Hà Nội, TP HCM, cần nghiên cứu thu phí môi trường phương tiện thông qua dán tem các mức xanh, vàng, đỏ với môtô, xe máy bảo đảm ATGT và không gian môi trường đô thị" - ông Huy đề xuất.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), cho biết trong chương trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008, bộ đang "luật hóa" vấn đề kiểm soát xe quá niên hạn. Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008 đang lấy ý kiến, Bộ GTVT đã đưa đề xuất quy định kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy. Trong đó có quy định khung pháp lý về kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá linh kiện, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông; trong việc bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện bảo đảm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; quy định về tiêu chuẩn khí thải, lộ trình kiểm soát khí thải với các loại xe...
Khó thu hồi xe máy cũ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 29-11, một cán bộ Phòng CSGT TP Hà Nội cho biết trong quá trình tuần tra, các đơn vị đã phát hiện và xử phạt nhiều xe máy cũ nát, không bảo đảm các quy định về an toàn kỹ thuật, tham gia giao thông gây nguy hiểm cho người đi đường, thậm chí không có đăng ký. Đối với những xe này, CSGT chỉ xử phạt các lỗi theo quy định chứ không thể tịch thu phương tiện, bởi đến nay chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe máy...
Ở góc độ pháp lý, vị lãnh đạo này cho rằng xe máy cũ cũng là tài sản của người dân nên các quy định, chế tài xử lý hay thu hồi đều phải căn cứ trên văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế cũng có nhiều phương tiện được người dân sở hữu từ lâu nhưng thời gian tham gia giao thông ít nên chất lượng phương tiện không ảnh hưởng nhiều. Do vậy, việc đánh giá chất lượng khí thải và chất lượng phương tiện cần có sự kiểm định để ra quyết định xử lý chính xác.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)