Để giữ vệ sinh cho chùa
Chùa Dơi nằm cách trung tâm TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Đây là một ngôi chùa hình thành từ thế kỉ 16, chùa được du khách thập phương tìm đến không chỉ vì những kiến trúc độc đáo mà còn được chiêm ngưỡng đàn dơi treo mình trên khắp những cành cây. Tuy nhiên, du khách đến đây cũng lấy làm kỳ lạ vì trong chùa Dơi có một nghĩa địa chôn những chú heo 5 móng.
Khuôn viên bên trong chùa Dơi
Thượng tọa Lâm Tú Linh, Sư phó trụ trì chùa Dơi, cho biết: "Trung bình 1 năm, chùa nuôi từ 3-4 con heo 5 móng, rồi chúng sinh sản, chùa không nhốt lại mà thả rông. Khoảng vài tháng trước, bên Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh thấy vậy đã bắt những con heo này đi để giữ vệ sinh trong chùa".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, thông tin thêm: "Trong chùa Dơi không nhận nuôi heo 5 móng nữa nhưng người dân canh ban đêm đem thả trước cổng chùa. Nuôi trong chùa không có chỗ đỗ phân, còn thả rông thì chúng quậy phá, làm môi trường trong chùa rất tệ hại. Vừa qua, nhà chùa có yêu cầu Sở giải quyết những con heo 5 móng này và Sở đề nghị Chi cục Thú y đến bắt đi đem thả nơi khác".
Tuy trong chùa không còn nuôi loài heo này nhưng phía sau khuôn viên chùa vẫn còn tồn tại một nghĩa địa chôn những chú heo sau khi qua đời và truyền thuyết về loài heo này vẫn hay được dân gian truyền tai nhau. Theo sư Tú Linh, thường heo chỉ có 4 móng, nhưng đối với heo 5 móng, người Nam Bộ không dám nuôi, cũng không dám bán hay xẻ thịt. Họ tin rằng heo 5 móng là "cốt tinh", người hóa kiếp heo, nếu nuôi trong nhà sẽ quậy phá, sinh chuyện lục đục nên họ đem thả vào chùa để nghe kinh Phật tu hành, hiền dịu lại và xóa được tội lỗi".
Nghĩa địa heo nằm phía sau chùa Dơi
Trong dân gian tương tuyền câu chuyện về heo 5 móng hết sức kỳ bí. Thuở xưa, nhà vua phong vượt cấp cho một người làm thừa tướng nhằm giúp đỡ dân lành và trừng trị kẻ hống hách. Nhưng từ khi được phong chức, vị thừa tướng này không thực hiện theo những gì vua kỳ vọng mà đàn áp người dân khiến họ càng đói khổ, cùng cực, ai oán. Sự căm phẫn của dân chúng đến tai vua, qua điều tra, nhà vua đã hạ lệnh chém đầu vị thừa tướng này. Thừa tướng đầu thai làm heo 5 móng, do khác thường có thêm 1 móng so với những chú heo khác nên bị người dân chửi mắng, đánh đập, không cho ăn. May mắn có một người thấy thương xót bèn đem con heo này vào chùa. Sư trụ trì bấm quẻ thì phát hiện kiếp trước của con heo 5 móng là vị thừa tướng nên đề nghị các sư trong chùa đối xử với con heo như người, không được chửi bới hay đánh đập.
Du khách đến chùa Dơi không quên ghé thăm nghĩa địa heo
Qua từng năm, con heo 5 móng này lớn dần dưới sự chăm sóc của các nhà sư trong chùa. Bỗng một hôm, sư trụ trì có việc đi xa nên dặn nếu heo 5 móng có chết thì mọi người xẻ thịt đem ra chợ phát cho dân để trả lại những gì mà vị thừa tướng gây ra cho họ, để ông ấy mới thoát được nghiệp chướng. Khi sư trụ trì đi được vài tháng thì con heo 5 móng lăn đùng ra chết, nhưng do thương tiếc con vật đã sống trong chùa nên các sư không xẻ thịt mà đem đi chôn và lập mộ heo 5 móng.
Ngôi chùa có nghĩa địa heo
Con heo 5 móng mà chùa Dơi nuôi đầu tiên khoảng vào năm 1989. Lúc ấy có người dân đem con heo này thả trong chùa, các sư không ai hay biết. "Các sư ăn gì thì sẽ cho con heo này ăn cái đó. Lúc ấy trong chùa có bà cụ tên Khiên là người quét dọn trong chùa, cũng thường xuyên chăm sóc con heo này. Chú heo này sống được khoảng 10 năm, lúc nó chết nặng khoảng 400 kg. Thấy nó là con heo đặc biệt nên sau khi chết, chùa đã hỏa táng rồi làm mộ chôn", sư Tú Linh bày tỏ.
Chùa Dơi là điểm tham quan hấp dẫn
Theo sư Tú Linh, loài heo 5 móng có "trí nhớ" rất siêu. Bình thường, những con heo này được thả rông trong chùa, có khi chúng đi ra ngoài kiếm ăn và đi xa chùa từ 5-7 km nhưng chiều tối là biết tìm đường về chùa. Sư Tú Linh nói thêm: "Người dân có heo 5 móng họ không bỏ heo trong rừng vì sợ nó bị bắt làm thịt, vả lại họ sợ heo không tìm được thức ăn. Nên nhiều người canh trời tối là đem heo thả trước cổng chùa để chùa nuôi, vì ban ngày, trước cổng có bảo vệ, họ không dám thả. Thấy vậy, các sư trong chùa cũng nuôi luôn. Hễ con heo 5 móng nào chết thì được đem chôn ở nghĩa địa heo".
Nghĩa địa heo nằm sau khuôn viên chùa có diện tích khoảng 15 m2, trên mỗi ngôi mộ đều có hình vẽ những chú heo béo tốt. Việc dọn dẹp nghĩa địa này được nhiều Phật tử đảm trách. Du khách đến cũng đốt nhang khấn vái, mong muốn những chú heo 5 móng sớm siêu thoát và xóa bỏ được tội nghiệp.
Bình luận (0)