Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, cho biết sáng 29-4, Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ chính thức được khánh thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải chưa tiến hành thu phí tại các tuyến đường này.
Với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết sẽ khánh thành đưa vào sử dụng ngày 19-5. Sau khi khánh thành, trên tuyến cao tốc này, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa tiến hành thu phí.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, 3 đoạn cao tốc nêu trên được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm sau này, nhà nước sẽ thu phí các đoạn cao tốc trên. Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội mới chỉ cho chủ trương để Chính phủ xây dựng phương án thu phí, việc xây dựng phương án và chờ Quốc hội thông qua phải mất thêm thời gian.
Vì vậy, 3 đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết sắp đưa vào khai thác sẽ chưa thu phí xe qua lại.
Trước đó, đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 đã khánh thành từ ngày 4-2-2022 nhưng cũng chưa triển khai thu phí sau hơn một năm khai thác.
Một đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Đồng Nai- Ảnh: Vĩnh Phú
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỉ đồng được khởi công ngày 30-9-2020. Dự án có tổng chiều dài 63,37 km (đi qua tỉnh Ninh Bình 14,35 km; qua tỉnh Thanh Hóa 49,02 km).
Dự án này có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình) kết nối với đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và điểm cuối giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) nối tiếp với đường cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25 m, đạt vận tốc thiết kế 120 km/giờ; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17 m, đạt vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Sau khi đưa vào vận hành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Thanh Hóa xuống còn 2 giờ đồng hồ, thay vì đi mất khoảng 2,5 - 3 giờ như hiện nay.
Còn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, khởi công tháng 9-2020, quy mô 6 lần xe, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng. Điểm đầu giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) và điểm cuối giao với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tuyến đường sau khánh thành giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đi TP Phan Thiết (Bình Thuận) từ 5-6 giờ, còn 2 giờ.
Bình luận (0)