Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh. Những năm qua, nhiều thương lái bất lương đã đưa tam thất, điền trúc... thoạt nhìn gần giống sâm Ngọc Linh về đây để lừa bán cho người tiêu dùng. Ngoài sâm củ, hạt và cây giống sâm Ngọc Linh giả cũng được chào bán với giá rẻ.
Tuy nhiên, nhờ sự cảnh giác của người dân Xê Đăng ở Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc bán sâm giả. Từ đó, thương lái bất lương dần mất đất kiếm ăn.
Sâm Ngọc Linh và củ tam thất khá giống nhau
Vào năm 2021, tại thôn Đắk Bré, xã Ngọc Lây, người dân phát hiện đối tượng đem loại củ gần giống sâm Ngọc Linh đến chào mời với giá 200 triệu đồng/kg. Người dân ở thủ phủ sâm chỉ nhìn cũng phát hiện ra đây là củ sâm giả nên đã báo công an xã.
Trước đó, một số thương lái chào bán sâm Ngọc Linh giống cho chị Y Kha (thôn Đắk Viên, xã Tê Xăng). Thấy sâm lạ, nghi ngờ là giả, chị Y Kha từ chối, khuyên những người khác không mua và báo cho cơ quan chức năng. Thấy động, thương lái rời khỏi địa phương.
Chị Y Kha (thứ 2 từ trái qua) kể về việc từ chối mua sâm lạ và báo chính quyền xử lý
Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, cho hay đại diện một công ty rượu sâm Ngọc Linh tới nhà người dân để nhờ xác nhận có liên kết trồng sâm với công ty. Tuy nhiên, người dân nghi ngờ công ty này lợi dụng việc liên kết để trục lợi nên đã báo lên xã.
"Việc cung cấp tin báo giúp xã có thêm thông tin để làm rõ vụ việc công ty này không hề có liên kết với dân như họ tự công bố" - ông Dũng nói.
Với người dân Xê Đăng, bảo vệ sâm Ngọc Linh là bảo vệ miếng cơm manh áo của gia đình
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, từ năm 2014 đến nay, chính quyền xã nhận được hàng trăm tin báo của người dân về việc sâm Ngọc Linh giả trà trộn, trục lợi từ thương hiệu sâm quý. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, hầu hết các đối tượng đều rời khỏi địa phương.
Nhiều trường hợp khai không phải bán sâm Ngọc Linh mà bán các loại củ giống sâm nên không thể xử lý. Tuy nhiên, động thái của chính quyền đã góp phần ngăn chặn, răn đe những đối tượng có mục đích xấu.
Cây sâm Ngọc Linh đang từng bước giúp người dân Xê Đăng thoát nghèo
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, khẳng định sâm Ngọc Linh là biểu tượng của huyện Tu Mơ Rông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung. Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, đấu tranh ngăn chặn sâm giả là việc cần làm ngay và làm xuyên suốt.
"Trong "cuộc chiến" này, huyện xác định người dân giữ vai trò then chốt, là hạt nhân. Vì thế, huyện đã yêu cầu các xã công khai số điện thoại tiếp nhận tin báo sâm giả" - ông Mạnh nói.
Ông Mạnh nhấn mạnh tin báo của người dân thời gian qua có giá trị, ý nghĩa rất lớn khi răn đe, đẩy đuổi đối tượng lợi dụng sâm Ngọc Linh để trục lợi ra khỏi địa bàn, giúp giữ được nguồn gen thuần chủng. Thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông sẽ rà soát, tổng kết kết quả chống sâm giả, biểu dương những hộ dân có thành tích...
Không trồng bất chấp
Sâm Ngọc Linh giống đang khan hiếm, giá khá cao nhưng người dân không vì ham rẻ mà trồng các loại không có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng
Ông Bùi Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Đắk Na, cho biết dù đang thiếu giống, muốn mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh nhưng người dân không trồng bất chấp. Người dân chọn mua giống sâm ở nơi bán có địa chỉ rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ, được chứng nhận vùng trồng, có uy tín với cộng đồng và phải lên tận vườn để chọn mua.
Hiện nay, 2 địa chỉ được người dân tin tưởng là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô. Ngoài ra, còn có giống sâm của hộ ông A Sỹ (xã Tê Xăng).
Bình luận (0)