Chiều 19-3, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã họp với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn về tình hình dự trữ hàng hóa, cung ứng và ổn định trên thị trường trong dịch Covid-19.
Bảo đảm ổn định nguồn cung
Tại cuộc gặp, đại diện các doanh nghiệp, các siêu thị vừa và nhỏ cho biết đã sẵn sàng các phương án dự trữ đến 300% so với bình thường. Các doanh nghiệp đã làm việc với nguồn cung cấp hàng hóa và khẳng định bảo đảm ổn định nguồn cung đưa ra thị trường.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng người dân cần bình tĩnh, không nên xuất hiện tại những nơi đông người, không cần đi mua hoặc tích trữ lương thực, thực phẩm. Hệ thống các siêu thị đã dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm đáp ứng đủ trong mọi tình huống với giá cả không tăng. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện để các phương tiện cung ứng chuyên chở thực phẩm vào TP một cách thuận lợi nhất. Sở Y tế sẽ hỗ trợ các phương tiện bảo hộ cho nhân viên các siêu thị, các doanh nghiệp bảo đảm an toàn trong quá trình phục vụ nhân dân.
Hà Nội trưng dụng nhiều địa điểm để làm khu cách ly tập trung Ảnh: MINH CHIẾN
Trước khuyến cáo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tất cả cửa hàng (trừ cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị) nên đóng cửa; người dân ở nhà, hạn chế ra đường, hạn chế đi xe buýt đến hết ngày 31-3, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ lãnh đạo TP.
Anh Nguyễn Văn Nam (trú tại phường Trung Tự, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết từ khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại TP Hà Nội, cơ quan anh đã tạo điều kiện cho nhân viên làm việc qua mạng để hạn chế đến văn phòng. Tại khu tập thể anh ở, mọi người cũng không còn tụ tập, trò chuyện nhiều như trước đây.
Trên các con phố kinh doanh sầm uất của TP Hà Nội, nhiều cửa hàng đã đóng cửa hoặc đặt biển cho thuê, sang nhượng. Các cửa hàng cũng thưa thớt khách ra vào do tâm lý người dân ngại tiếp xúc. Các chợ đầu mối, chợ cóc cũng không đông dân mua bán như bình thường.
Kiểm soát nhập cảnh
Trong ngày 19-3, sân bay Nội Bài đón 1.911 lượt khách nhập cảnh từ 26 chuyến bay. Quy trình kiểm dịch đối với khách nhập cảnh đã điều chỉnh nhằm giảm ùn tắc. Khách đến từ vùng dịch sẽ được phân luồng và chuyển đi cách ly tập trung. Việc kê khai y tế và lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện tại địa điểm cách ly thay vì ở sân bay như trước đó.
Vietnam Airlines chiều 19-3 thông báo tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế dự kiến đến hết ngày 30-4. Các đường bay Đông Nam Á sẽ tạm dừng khai thác 2 chiều từ ngày 21-3. Đường bay Anh, Nhật Bản tạm dừng 2 chiều từ ngày 23-3... Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh. "Việt Nam cần tiếp tục kiên trì thực hiện các nguyên tắc: Chủ động ngăn ngừa, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh chỉ có kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan, phát tán của bệnh càng tốt thì mới chống dịch thành công. Ngày 19-3, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các tỉnh, TP tăng cường chống dịch Covid-19 đối với người bệnh, người cao tuổi và tuyên truyền để người dân tự nguyện khai báo y tế điện tử. Các tỉnh, TP cần thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh khác. Các đối tượng này cần hạn chế tối đa việc ra ngoài, đến khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác...
PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định Việt Nam không "thả nổi" dịch mà chống dịch theo chiến lược: phát hiện sớm, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly kịp thời. Theo ông Phu, thời điểm này, TP Hà Nội có rất đông công dân từ các vùng dịch ở nước ngoài về và cũng không loại trừ những trường hợp lây lan ở cộng đồng.
"Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế ra đường vào thời gian này rất là hợp lý. Không những vậy, tôi nghĩ rằng chính quyền TP Hà Nội phải quyết liệt hơn, có những cảnh báo cao hơn nữa" - ông Phu nhận định.
Phát động toàn dân ủng hộ chống dịch
Chiều 19-3, tại TP Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp Bộ Y tế, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động đợt vận động nhắn tin ủng hộ, đóng góp "Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19" thông qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 - đầu số 1407.
Để ủng hộ, hãy soạn: CV n gửi 1407 (trong đó, n là số lần ủng hộ 20.000 đồng). Mỗi tin nhắn đóng góp 20.000 đồng nhân n lần (trong đó, n giới hạn từ 1 đến 100). Thời gian tiếp nhận tin nhắn ủng hộ bắt đầu từ 0 giờ ngày 19-3 đến 24 giờ ngày 18-6.
V.Duẩn
Hỗ trợ người dân ở nơi cách ly
UBND huyện Thuận Nam phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận chiều 19-3 đã tổ chức bán hàng bình ổn giá cho hơn 5.000 người dân thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam đang phải cách ly sau khi phát hiện 2 ca mắc Covid-19. UBND xã Phước Nam cho biết đang tiếp nhận lương thực và nước uống từ một số doanh nghiệp ủng hộ để phân phát cho người dân. UBND tỉnh Ninh Thuận đã đồng ý cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 23-3 đến khi có thông báo mới.
K.Nam
Kịch bản 10 ngày ứng phó của TP HCM
Chiều 19-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM đã họp giao ban để triển khai các phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: "Hai tuần sắp tới là 2 tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam trong công tác phòng chống dịch. Chính phủ và các địa phương đã phát đi thông điệp: Người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài. TP đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng".
Hiện Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh TP, Sở Du lịch, ĐHQG TP tổ chức các khu cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội, khách sạn, khu ký túc xá đại học với tổng quy mô 23.698 giường. Còn tại 24 quận, huyện là 798 giường. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, TP còn tính đến phương án chuyển tất cả bệnh nhân ở Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới đi nơi khác điều trị, dành toàn bộ BV này để chữa trị bệnh nhân mắc Covid-19. Về chọn khu lưu trú làm nơi cách ly, Giám đốc Sở Y tế nói trước mắt chọn những khách sạn ở ngoại ô như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi... Cách ly ở nội ô chỉ là phương án cuối cùng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ngành, các cấp không được phép chủ quan mà phải chủ động ngay từ đầu; có những phương án, kịch bản ứng phó nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Việc phải làm ngay là rà soát lại các khu cách ly tập trung: các khu cách ly hiện có và các khu chuẩn bị đưa vào hoạt động. Phải tính toán một cách đồng bộ, phải có đủ trang thiết bị, điều kiện để phục vụ tốt cho công tác phòng chống dịch. Nếu lực lượng từ Bộ Tư lệnh TP không đủ thì TP sẽ huy động thêm Lực lượng TNXP TP để đáp ứng nhân lực cho các khu cách ly.
Theo Chủ tịch UBND TP, mỗi ngày có khoảng 1.300-1.700 người nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu tính đến kịch bản trong 10 ngày tới thì sẽ có khoảng 17.000 người nhập cảnh TP. Việc chuẩn bị giường cho khu tập trung và người nhập cảnh phải cân đối. Do đó, phải lên ngay một phương án chống dịch cụ thể cho 10 ngày tới: tổng số giường cách ly, tổng số người về và các dịch vụ hậu cần kèm theo... để tính toán, cân đối chặt chẽ. Đề phòng trường hợp TP không đủ chỗ để cách ly, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Bộ Tư lệnh TP phối hợp với Quân khu 7 làm việc với các tỉnh, thành lân cận để lên phương án tăng cường khu vực cách ly tập trung.
Phan Anh
Bình luận (0)