Trái với ngày 31-3, nhiều người đã vội vã mua gom hàng hóa sau khi hay tin từ ngày 1-4 sẽ thực hiện "cách ly xã hội" trong vòng 15 ngày, hôm 1-4 dù hàng hóa đầy đủ nhưng vắng người mua.
Người bán đông hơn người mua
Thống kê nhanh của 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại TP HCM là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn cho thấy lượng hàng về chợ đêm 31-3 rạng sáng 1-4 lẫn giá cả tương đương hôm trước. Chỉ duy nhất mặt hàng heo hơi giảm giá từ 75.500 đồng/kg còn 70.000 đồng/kg làm giá thịt heo mảnh theo đó cũng giảm 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg, còn 90.000 đồng - 95.000 đồng/kg.
Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động tại chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1, quận 5, quận 2… hàng hóa rất dồi dào nhưng vắng khách. Chợ Vạn Kiếp, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vắng hơn ngày thường do nhiều sạp hàng không thiết yếu đã đóng cửa; các sạp hàng tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả, bún… đầy ắp, giá cả ổn định.
Tương tự, chợ Hòa Bình, chợ Thị Nghè, chợ Thái Bình, chợ Đo Đạc cũng bỏ trống nhiều ô vựa, chỉ khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả, thịt cá còn khá đông người bán. Đến hơn 9 giờ, nhiều sạp còn rất nhiều hàng nhưng chợ đã bắt đầu vãn khách.
Các chợ và cửa hàng ở TP HCM luôn đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân Ảnh: NGUYỄN HẢI - NGỌC ÁNH
Đến sáng 1-4 , hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP HCM đầy ắp hàng, nhất là hàng thiết yếu, thực phẩm, nước tẩy rửa vệ sinh, khẩu trang… Nhiều mặt hàng rau xanh, trái cây, thịt heo… vẫn đang được bán giảm giá.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Co.opXtra Linh Trung, cho biết mọi hoạt động của siêu thị đã trở lại bình thường, khách mua sắm lai rai như những ngày trước. Trước đó, từ chiều đến tối ngày 31-3 khách hàng dồn về siêu thị đông hơn cả cao điểm Tết, chủ yếu mua rau củ, thịt cá, trứng…
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các hệ thống phân phối lớn, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống vẫn đang hoạt động với đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại Hà Nội, nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chuỗi phân phối, chợ trên địa bàn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi, Hapro, Intimex, Vinmart, Vinmart+… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 - 500%. Tại các chợ truyền thống, hàng hóa như thực phẩm, rau xanh đều đầy đủ, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Giao hàng tận nhà
Thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều cửa hàng tiện lợi mở cửa để thoáng khí. Một số cửa hàng dán thông báo đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi để giúp khách hàng mua sắm tại nhà. Một số địa phương, một số kênh phân phối còn mở thêm các điểm bán hàng lưu động như Tập đoàn BRG mở thêm 10 điểm bán Hapro Food tại các vị trí trung tâm Hà Nội để phục vụ và cung ứng đủ hàng hóa.
Tại cửa hàng Satrafood trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP HCM) hàng hóa phong phú; rau tươi đến thịt heo, bò, gà, sữa, dầu ăn, mì gói… đầy ắp kệ. Dù cửa hàng này có mặt bằng khá rộng nhưng để hạn chế tối đa tụ tập đông người, khi lượng khách hàng vượt 10 người, khách mới đến được hướng dẫn đợi bên ngoài chờ đến lượt.
Đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết việc khách hàng lo lắng thái quá, tập trung mua gom, tích trữ hàng hóa đã gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, cung ứng, kinh doanh cho cả nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ và đặc biệt gây khó khăn cho công tác kiểm soát, chống dịch. Vì vậy, ngoài việc tổ chức cung ứng thật nhanh, thật nhiều hàng hóa để trấn an người tiêu dùng và phát loa tuyên truyền khách hàng bình tĩnh, các siêu thị còn tích cực quảng bá, đẩy mạnh hình thức bán hàng online, bán hàng qua điện thoại, ứng dụng Zalo, Viber và giao hàng tận nhà cho khách.
"Phải làm sao cho khách hàng làm quen với việc ở nhà gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn đến siêu thị mua hàng và xem đó là hoạt động bình thường trong những ngày sắp tới. Chúng tôi sẽ ưu tiên triển khai tại các siêu thị ở TP HCM, khách hàng có thể yên tâm là ở nhà vẫn mua được thịt cá tươi, sữa, đồ đông lạnh…" - giám đốc marketing một hệ thống siêu thị cho hay.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khẳng định: Sở Công Thương Hà Nội cũng đã xây dựng các kịch bản nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với 5 cấp độ. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp bảo đảm cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày và đang tiếp tục gia tăng. Các doanh nghiệp phân phối cũng tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, từ đó lượng bán hàng online của các doanh nghiệp đã tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đó.
Bình luận (0)