Ngày 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố (TP).
Hà Nội đề nghị hỗ trợ thêm máy thở
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sau khi xác định các trường hợp mắc Covid-19, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị về một số tỉnh, thành miền Bắc, trong đó TP Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp.
Đến nay, TP Hà Nội đã xác minh được toàn bộ người thân của 1.592 bệnh nhân này và cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đối với nhóm hơn 90 lao động của Công ty Trường Sinh - đơn vị cung cấp dịch vụ tại BV Bạch Mai (công ty có nhiều ca nhiễm Covid-19 tính đến thời điểm này), TP đã cho rà soát nơi cư trú, lịch sử di chuyển. Đáng mừng là từ ngày 8-3 đến nay, chỉ có 3/90 trường hợp về quê.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá "ổ dịch" tại BV Bạch Mai là lớn nhất, phức tạp nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Bộ Y tế mới chỉ công bố 12 trường hợp dương tính ở đây nhưng số liệu được biết thì con số này đã lên 20 ca.
Bệnh viện Bạch Mai ngừng tiếp nhận bệnh nhân Ảnh: NGÔ NHUNG
Theo ông Nguyễn Đức Chung, bệnh nhân 86 là y tá trong BV Bạch Mai, từ ngày 9 đến 14-3 đã phát thuốc cho khoảng 2.000 bệnh nhân HIV/AIDS. Việc phát thuốc này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn. Ngoài ra, 23 nhân viên đi phát nước cho tất cả các khoa trong BV Bạch Mai, hiện đã có 2 ca dương tính. Về việc bệnh nhân 170 đã vào nhà ăn của BV 5 lần nên nhà ăn này có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra ngoài xã hội rất cao. Mỗi ngày, có khoảng 600-700 người vào đây ăn uống, bộ phận nấu ăn tại BV mỗi ngày cũng cung cấp cho khoảng 5.000-6.000 nhân viên trong BV. Khoảng 2.000-3.000 học viên, thực tập sinh của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành cũng vào đây ăn uống.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung cho biết các chuyên gia về phòng chống bệnh tật trên thế giới phân tích lại những số liệu liên quan đến BV Bạch Mai và đánh giá dịch bệnh ở BV Bạch Mai còn phức tạp hơn 3 BV nằm ở Daegu - Hàn Quốc, Lombardy - Ý và New York - Mỹ. "Trường hợp này cũng như Vũ Hán dịp gần Tết, sau khi nhiễm bệnh nhiều người đã di chuyển khắp các nơi" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhìn nhận.
Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ dụng cụ test nhanh để áp dụng trên diện rộng, ưu tiên các vùng phường xung quanh BV Bạch Mai có bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân HIV và bệnh nhân ngoại trú... Cùng với đó là hỗ trợ khẩn trương mua máy thở bổ sung.
Tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà"
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo của các điểm cầu trực tuyến là các khu cách ly như khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), khu tiếp nhận công dân cách ly ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng. Đại diện quản lý các khu cách ly đều cho biết đã làm tốt công tác tuyên truyền nên công dân tuân thủ rất tốt.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đề nghị xác định cụ thể các giải pháp phù hợp cho từng TP, từng địa bàn, khu dân cư. Ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các BV, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải… Tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà", tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch, nhất là ở BV Bạch Mai và quán bar Buddha (TP HCM). Phải tìm được những người (khoảng 40.000 người) vào ra BV Bạch Mai thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp. Vì vậy, phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng TP để theo dõi diễn biến phòng chống dịch và điều trị bệnh.
Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến đến và đi từ Hà Nội, TP HCM đến các sân bay tỉnh trong 2 tuần tới. Ngoài cơ sở vật chất, ngành y tế và các địa phương cần quan tâm hơn đến sự an toàn của các cán bộ trên tuyến đầu chống dịch; các lực lượng này đều phải đề phòng lây nhiễm trong nội bộ. Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính là tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày, bắt đầu từ đầu tháng 4. Thủ tướng yêu cầu các TP lớn đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh.
Đặt mua nhiều thiết bị chống dịch
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 - cho biết đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Trong 4 bệnh nhân thở máy đã có 1 bệnh nhân được cai máy thở, 3 bệnh nhân khác đang phục hồi. Bệnh nhân nặng nhất can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) có dấu hiệu tích cực hơn.
Đến nay, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua 8.825.000 khẩu trang; 31.000 bộ trang phục, phòng chống dịch; 233 máy thở và một số thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng đã mua 26.000 bộ bảo hộ chống dịch, trong đó đã xuất cấp 11.200 bộ và đã nhận 115 máy thở.
N.Dung
Xử lý hàng loạt người vi phạm chống dịch
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (44 tuổi, địa chỉ thường trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) do khai báo vòng vo, thiếu trung thực, để răn đe giáo dục.
Đây là bệnh nhân đầu tiên ở tỉnh Thái Nguyên mắc Covid-19. Tỉnh này đã thực hiện cách ly gần 250 người có liên quan, trong đó có cả nhân viên y tế, bệnh nhân của BV Đa khoa huyện Đại Từ.
Trước đó, bệnh nhân này đã làm việc trong nhà ăn của BV Bạch Mai. Chiều 27-3, bệnh nhân đi xe khách từ BV Bạch Mai về đến thị trấn Đại Từ và vào thẳng BV Đa khoa huyện Đại Từ khám. Tại đây, bệnh nhân cho biết chỉ ở nhà và không đi đâu. BV đã lập hồ sơ bệnh án điều trị tại khoa nội. Tối cùng ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, sốt, thân nhiệt 37,6 độ C, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Do bệnh nhân có lịch sử di chuyển tương đối phức tạp và khai báo ban đầu không trung thực nên việc rà soát, xác định những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) cho biết đã thực hiện cưỡng chế cách ly đối với Bùi Ngọc T. (SN 1993; ngụ phường Bình San, TP Hà Tiên) vì đã trèo tường trốn khỏi nơi cách ly tập trung để về thăm vợ. Cơ quan chức năng đã đưa mẹ và vợ của T. đi cách ly tập trung và xác minh thêm những người đã tiếp xúc với thanh niên này trong thời gian bỏ trốn.
Đến chiều 29-3, anh Lê Văn V. (29 tuổi; ngụ xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã được đưa về điểm cách ly tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Anh V. đã bỏ trốn khỏi điểm cách ly vào rạng sáng cùng ngày sau khi cách ly được 10 ngày. Sau khi công an liên lạc, vận động, anh V. đã đến trình diện.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt 1 thanh niên không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ảnh: QUANG NHẬT
Ông Tôn Thất Thái, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ngày 29-3 đã ký 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 2 người với số tiền 200.000 đồng/người. Hai người này cùng nhau tới điểm vui chơi tại Công viên Thương Bạc, phường Phú Hòa nhưng không đeo khẩu trang phòng dịch.
Bộ Y tế cũng vừa ban hành Chỉ thị số 6/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở y tế, vừa được Bộ Y tế. Theo đó, các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định Covid-19 (F1) và tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) nếu khai báo không trung thực hoặc không đầy đủ sẽ bị xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể bị buộc thôi việc.
H.Thanh - T.Nốt - N.Phú - Q.Nhật - N.Dung
Bình luận (0)