Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM ngày 6-6 đã tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM: Nhiệm vụ và giải pháp".
Động lực thúc đẩy phát triển
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân; là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Theo bà Phạm Phương Thảo, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nét đẹp rất riêng, rất hấp dẫn của TP HCM.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM đánh giá thời gian qua, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố có những kết quả đáng ghi nhận. TP HCM có 2.906 mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo…
TP HCM cũng đã tổ chức hơn 22.000 cuộc triển lãm ảnh, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có nhiều tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương, khen thưởng. Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít; tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Người.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Gợi mở giải pháp, bà Phạm Phương Thảo cho rằng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, hoàn thành quy hoạch tổng thể Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể; tạo sự lan tỏa sâu rộng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ.
"Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM. Xây dựng thành công Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển đi lên của TP HCM trong giai đoạn mới" - bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, cho rằng muốn xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thành công, cần có sự chung tay của người dân. Chính quyền phải gìn giữ và quyết liệt tạo thêm không gian này cho người dân. Song, chính người dân mới tạo nên cái hồn cho không gian văn hóa mang tên Bác. Người dân TP HCM có thể đến đây học tập, vui chơi, giải trí; để đàn, để hát những bài ca về Bác, kể chuyện về Bác… Để tạo ra không khí này, không ai khác, chính quyền phải có cơ chế và động thái khuyến khích người dân tham gia.
Thống nhất từ nhận thức đến hành động
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết sau thời gian triển khai, hội thảo đã nhận được 63 tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, nguyên lãnh đạo thành phố và các đơn vị.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, tuy xuất phát từ những vị trí, vai trò riêng biệt nhưng tất cả đều có nhận định chung, khẳng định sự cần thiết xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một phạm trù mới, có nội hàm rộng, không chỉ có tầm ảnh hưởng trong phạm vi TP HCM mà còn lan tỏa trên cả nước và thực hiện lâu dài.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận hội thảo đã góp phần làm rõ thêm về khái niệm, quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố. Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh việc triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; tạo đồng thuận chung trong nhận thức, tư tưởng, đi đến thống nhất trong hành động, từng bước hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Cần phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thấm sâu vào mỗi người dân TP HCM.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập trung bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, thiết chế văn hóa trên địa bàn TP HCM gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoàn thành quy hoạch, đầu tư xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cũng lưu ý cần quan tâm, chú trọng việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí; mở các chuyên mục, chuyên đề về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải
PGS-TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP HCM, nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thông qua xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho việc học tập và làm theo gương Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố.
PGS-TS Lâm Nhân đề xuất xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần gắn liền với những bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, từng khu vực; phải có sự độc đáo, đặc sắc riêng so với các địa phương khác. Để làm được điều này, cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực con người. Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có trọng tâm, trọng điểm; tránh dàn trải, mang tính phong trào, hời hợt dẫn đến lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả.
Bình luận (0)