Sáng 19-2, Báo Người Lao Động tổ chức họp mặt chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo", nhân dịp đầu năm Quý Mão 2023. Buổi họp mặt nhằm tri ân các nhà đồng hành, nhà tài trợ của chương trình. Đây cũng là dịp để Báo Người Lao Động và các nhà đồng hành, nhà tài trợ định hướng những hoạt động sắp tới của chương trình.
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao hoa tri ân các cá nhân, doanh nghiệp đóng góp cho chương trình “Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo”
Hành trình "lên rừng xuống biển"
Tham dự buổi họp mặt có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", Nhà sáng lập chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo"; ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM; cùng nhiều cá nhân, đơn vị là những nhà đồng hành, nhà tài trợ của chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo".
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban điều hành chương trình - cho biết Báo Người Lao Động chính thức quản lý và điều hành chương trình này từ đầu năm 2022. Tuy thời gian không quá dài nhưng đó là một hành trình "lên rừng xuống biển" với những nỗ lực rất lớn của đội ngũ Báo Người Lao Động.
Đến nay, chương trình đã được triển khai tại 26 tỉnh, thành. Trong đó, đã tổ chức tại Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) - cực Nam của Tổ quốc, tại cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) - cực Bắc của Tổ quốc; tại Mũi Điện (tỉnh Phú Yên) - nơi đón bình minh đầu tiên của Việt Nam. "Để có được sự thành công của chương trình trong năm 2022 chính là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của ông Trương Hòa Bình. Cạnh đó là sự hỗ trợ của các cá nhân, đơn vị là các nhà đồng hành, nhà tài trợ của chương trình" - ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao quà lưu niệm, cảm ơn các cá nhân, doanh nghiệp, nhà tài trợ
Ông Tô Đình Tuân khẳng định: Với phương châm trong sáng, minh bạch, Báo Người Lao Động đã quản lý và thực hiện tốt chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo". Theo đó, từ tháng 1-2022 đến tháng 2-2023, Báo Người Lao Động đã vận động được số tiền là hơn 11,5 tỉ đồng từ các nhà tài trợ, đơn vị đồng hành đóng góp cho chương trình. Trong năm 2022, chương trình đã chi hơn 5,6 tỉ đồng để trao tặng học bổng và các kinh phí học tập khác cho sinh viên, học sinh thuộc đối tượng chăm lo của chương trình.
"Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Báo Người Lao Động sẽ nỗ lực hết mình để mang chương trình đi đến bất cứ nơi nào trên mọi miền của Tổ quốc. Dù rừng sâu hay biển khơi thì chúng tôi cũng sẽ không ngần ngại, nỗ lực giúp đỡ càng nhiều học sinh, sinh viên càng tốt. Qua đó, góp phần nhỏ của mình để đất nước chúng ta ngày càng phát triển hơn, chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Tô Đình Tuân bày tỏ.
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, đánh giá cao hiệu quả của chương trình “Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cùng nhau làm nhiều việc tốt hơn nữa
Bà Phan Kiều Thanh Hương nói tổ chức Mặt trận thành phố rất vinh dự khi nhận được sự đồng hành của ông Trương Hòa Bình cùng nhiều cá nhân, đơn vị xuyên suốt các hoạt động của mình.
Theo bà Hương, Báo Người Lao Động đã mang lại nhiều nét mới, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của chương trình. Chẳng hạn trước đây, chương trình thường được tổ chức trong các dịp lễ quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số thì nay tổ chức với tần suất nhiều hơn, nhất là khi các địa phương có nhu cầu nhận hỗ trợ. Hiệu quả chương trình còn nhờ mở rộng hình thức hỗ trợ, không chỉ trao tặng học bổng mà còn trao tặng phương tiện, dụng cụ học tập như máy tính bảng, xe đạp… tùy theo nhu cầu thực tế của các em. Đặc biệt, chương trình đã góp phần chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho nhiều học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, nhất là sau dịch COVID-19. Qua đó, góp phần xây dựng TP HCM với hình ảnh "Thành phố đáng sống", "Thành phố có chất lượng sống tốt".
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Trương Hòa Bình đánh giá việc Báo Người Lao Động tiếp quản và gắn chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của báo đã tạo được hiệu ứng lan tỏa cao qua nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa. Những hoạt động này đã đến với những nơi vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Nhìn lại một năm hoạt động kể từ khi được Báo Người Lao Động quản lý và điều hành, ông Trương Hòa Bình ấn tượng nhất với lễ chào cờ đầu năm 2023 do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức tại Mũi Điện (hay còn gọi là Mũi Đại Lãnh; xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Nguyên Phó Thủ tướng nhớ lại: "Buổi lễ thu hút rất nhiều người tham gia. Mấy trăm người đứng giữa ngọn đồi dưới mưa to để cùng nhau hát Quốc ca. Hình ảnh ấy rất xúc động, hào hùng. Tại đây, hàng ngàn lá cờ Tổ quốc và 50 suất học bổng cũng đã được trao cho người dân Phú Yên".
Trong không khí thân tình của buổi họp mặt đầu năm, ông Trương Hòa Bình mong mỏi các đại biểu tham dự cùng nhau làm nhiều việc tốt hơn nữa để đóng góp cho đất nước, xã hội. Ông gửi gắm: "Phải giúp đỡ để các em được học hành đầy đủ, "vừa hồng vừa chuyên"; từ đó trở thành những công dân tốt, đóng góp cho đất nước".
Người sáng lập chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" cũng đề nghị Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức song song chương trình hoạt động cộng đồng có ý nghĩa nhân văn này với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", để cả 2 chương trình ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện sứ mệnh của người làm báo
Theo ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam - một trong những người tham gia từ giai đoạn đầu chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" - từ một chương trình ban đầu là tập trung chăm lo cho học sinh dân tộc Chăm tại quận 8 (TP HCM), đến nay chương trình đã lan tỏa khắp cả nước. Có được điều này là nhờ sự đóng góp rất lớn của Báo Người Lao Động.
Ông Trần Trọng Dũng mong chương trình ngày càng lớn mạnh, hiệu quả và lan tỏa nhiều hơn nữa. Đây cũng là sứ mệnh của người làm báo; không chỉ làm công tác thông tin tuyên truyền mà còn cổ động, vận động mọi tầng lớp xã hội tham gia đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Chung tay vì cộng đồng
Tại buổi họp mặt, nhiều cá nhân, đơn vị đã đăng ký đóng góp kinh phí cho chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" với số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.
Cụ thể, chương trình nhận được đóng góp của ông Trần Kim Chung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CT Group (300 triệu đồng); ông Nguyễn Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng (300 triệu đồng); bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Công ty Vĩnh Thuận (300 triệu đồng); gia đình ông Phạm Đình Khánh Duy (300 triệu đồng); tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân (200 triệu đồng); ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐQT Saigontourist (200 triệu đồng); ông Nguyễn Mười, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương (200 triệu đồng); ông Phạm Tấn Nghĩa, Chủ tịch Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (200 triệu đồng); bà Phan Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thiên Nhiên (200 triệu đồng); Công ty Cảng Long An (200 triệu đồng); ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Tập đoàn BCG (200 triệu đồng); ông Trần Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Hậu (100 triệu đồng); bà Trương Ngọc Thùy Trang (20 triệu đồng).
Bình luận (0)