Năm 2020, câu chuyện cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thường vượt qua nghịch cảnh, xuất sắc trúng tuyển ĐH Fulbright Việt Nam với hỗ trợ tài chính hơn 2 tỉ đồng gây ấn tượng sâu sắc cho nhiều người. Hiện tại, Thường là sinh viên năm 3 ngành tâm lý học.
Học để trở thành phiên bản tốt hơn
Không có điều kiện học tốt ngoại ngữ thời phổ thông, Thường từng lo sợ, thất vọng suốt mấy tháng đầu bước vào môi trường giáo dục quốc tế của Fulbright. Mỗi khi muốn từ bỏ, cô nhớ đến lý do mình chọn Fulbright và tận tâm theo đuổi mục tiêu ra sao. Nhờ sự dìu dắt của thầy cô và nỗ lực bản thân, Thường khắc phục khó khăn, theo kịp tiến độ của lớp.
Theo Thường, yếu tố sống còn để đáp ứng sự hội nhập và phát triển vũ bão ở bối cảnh đương thời là biết cách thích ứng trong môi trường học tập và tự nhận thức về bản thân.
Thường nhận thức sâu sắc vai trò của việc học tập suốt đời. Có nhiều cách học: ngoài trường lớp, có thể học từ người khác, học từ kinh nghiệm, có người hào hứng với con chữ, có người chuộng sự trực quan, có người ưa tương tác... Trong đó, tự học là phương pháp Thường tâm đắc. Cô hay dành vài giờ ở thư viện cùng laptop và sổ tay, mở các bài giảng, lắng nghe và ghi chú. Thường kể: "Tôi cảm thấy có thể học bất kỳ điều gì trên đời. Việc tự học với sự tập trung khiến tôi chủ động ghi nhớ lâu hơn so với việc được dạy. Tự học cho tôi cảm giác rất riêng. Đó là cảm giác chinh phục kiến thức: một ngọn núi vời vợi mà khi chinh phục được thì rất hân hoan".
Nguyễn Vũ Đức Huy (quê Quảng Nam) vừa tốt nghiệp tiến sĩ ngành hóa lý tại Trường ĐH Wageningen (Hà Lan). Trước khi du học, chàng trai 9X đã tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM và làm việc ở công ty sản xuất hàng nhựa tiêu dùng gần 2 năm. Sau thời gian công tác trong nước, anh khao khát phát triển, học hỏi thêm kiến thức chuyên ngành, đặc biệt về khả năng ứng dụng với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Nghĩ là làm, Huy lên lộ trình trau dồi ngoại ngữ và nộp hồ sơ xin học bổng.
Năm 2014, Huy nhận được học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu (EU) và theo học chương trình thạc sĩ ở ĐH Trento (Ý) chuyên ngành về khoa học kỹ thuật vật liệu.
Quá trình học thạc sĩ, Huy bắt đầu quan tâm nhiều đến mảng nghiên cứu các loại vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thôi thúc anh say mê nghiên cứu. Hoàn tất bậc cao học, cuối năm 2017, Huy tìm kiếm cơ hội, mở rộng chuyên môn mới và được nhận vào vị trí nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Wageningen - một trong những trường nổi tiếng thế giới trong công tác đào tạo và nghiên cứu ứng dụng sản phẩm vật liệu xanh.
Đức Huy (ngồi) mong muốn tiếp tục thực hiện các dự án nghiên cứu trong lĩnh vực mình theo đuổi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Không ngại trải nghiệm và dấn thân
Đức Huy thấy may mắn khi có sự động viên, giúp đỡ từ gia đình, người thân và bạn bè khi học tập, làm việc xa nhà. Đặc biệt, người thầy hướng dẫn đồ án thời đại học đã để lại dấu ấn cho chàng sinh viên năm nào với câu nói "Cứ đi đi rồi sẽ có đường", tạo cảm hứng để Huy khám phá thế giới, tự tin, bản lĩnh, trải nghiệm nhiều môi trường học tập và làm việc đa dạng.
Theo Huy, bất cứ việc gì, muốn làm tốt, cần dành thời gian và tâm - trí - lực, việc học cũng không ngoại lệ. Thuận lợi của người trẻ là có "kha khá" quỹ thời gian và sức lực để tìm kiếm cơ hội. Tuy vậy, cũng có áp lực như vấn đề tài chính và quản trị cuộc sống, cân bằng giữa học tập và làm việc, giải trí.
Theo đuổi ngành khoa học ứng dụng nên Huy có thể vừa học tập từ kiến thức trong sách vở vừa áp dụng kiến thức qua các thí nghiệm trực quan, thực tế. Qua đó, kiểm nghiệm lý thuyết đem lại cái nhìn bao quát hơn trong việc ứng dụng. Ngoài ra, sự tương tác và hỗ trợ giữa các nhóm nghiên cứu là rất có ích.
Đức Huy vui và tự hào nhất khi nhìn thấy các công trình nghiên cứu của mình cùng nhóm nghiên cứu của trường được đăng trên tạp chí học thuật của ngành như: ACS Sustainable Chemistry and Engineering (ACS - Hiệp hội Hóa học Mỹ), Green Chemistry (RSC - Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh). Đây là các công trình nghiên cứu khả năng ứng dụng các loại dung môi "xanh" thân thiện với môi trường để hòa tan và chế biến các hợp chất sinh khối (cellulose hay chitin) thành sản phẩm có giá trị cao, có tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghệ y sinh, thực phẩm...
Với Thường, khi dám nhìn nhận khó khăn, ta sẽ có chiến lược học tập hữu ích cho chính mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Còn Nguyễn Thị Thường vừa ghi thêm cột mốc đáng nhớ khi là người trẻ nhất tham gia chương trình Future For Women - một tổ chức xã hội dành cho phụ nữ khởi nghiệp được hỗ trợ bởi Quỹ Echidna Giving thông qua Rockefeller Philanthropy Advisors (Mỹ). Thường được học những gì liên quan đến khởi nghiệp và kinh doanh, thứ cô từng ngại học vì cho rằng mình thuộc thiên hướng xã hội. Tuy nhiên, khi học tại đây, Thường gặp được nhiều phụ nữ có sáng kiến khởi nghiệp thành công và thấy khởi nghiệp thú vị. Cô đang ấp ủ một dự án ý nghĩa giúp học sinh nhận thức được các vấn đề tâm lý. Dự án do Future For Women hỗ trợ sẽ triển khai đầu năm 2023.
Trong tương lai, Thường muốn tìm học bổng thạc sĩ về lĩnh vực giáo dục, áp dụng điều được học để phụng sự trong môi trường phi lợi nhuận và doanh nghiệp xã hội. "Để làm được, phải rèn luyện và học hỏi rất nhiều từ lúc này" - cô quả quyết.
Bình luận (0)