Khi máy bay vừa dừng lại, khoang hành khách vang lên những tiếng vỗ tay, reo hò, vì sau những tháng ngày lo lắng trong dịch bệnh, nay họ đã được trở về với Tổ quốc.
Đã qua 7 tháng nhưng chị Hoàng Thị Lài (28 tuổi, quê huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn không quên được ngày máy bay hạ cánh xuống lãnh thổ Việt Nam và được hướng dẫn, chăm sóc, đưa về khu cách ly.
Qua Đài Loan (Trung Quốc) lao động được 5 năm, những lần về rồi đi, chưa bao giờ chị Lài thấm thía từ "trở về" đến vậy.
Dịch Covid-19 bùng phát, Đài Loan cũng ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng. Lúc này là giữa năm 2020, chị Lài đang mang thai tháng thứ 4, các chuyến bay đã đóng cửa, cơ hội trở về quê hương để sinh con gần như đóng lại, chị hoang mang và lo lắng.
Các lao động được đưa về trên chuyến bay giải cứu VN571
"Khi nắm được các thông tin về những chuyến bay giải cứu, tôi cùng chồng vội vàng đăng ký tại đại sứ quán và phải nói rằng chúng tôi đã được sự chăm lo và hướng dẫn tận tình. Thật cảm động" - chị Lài chia sẻ. Theo chị, nếu không được trở về để sinh con, không biết cuộc sống của chị sẽ ra sao, bởi không biết lấy đâu ra chi phí để sinh nở trong điều kiện việc làm bấp bênh, dịch bệnh hoành hành.
Bữa cơm đầu tiên chị Hoàng Thị Lài được nhận sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất
Chuyến bay của chị Lài cũng khá đặc biệt, bởi 343 người thì có đến 100 phụ nữ đang mang thai, có người đã mang thai kỳ cuối. Sau khi được đưa về khu cách ly tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các bà bầu được chăm sóc y tế, được lo chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi thật sự thoải mái để hoàn thành cách ly theo quy định.
Câu chuyện của anh Nguyễn Long (ngụ tỉnh Hà Tĩnh) đặc biệt hơn ai hết, bởi đi xuất khẩu lao động từ năm 2009, 2 lần trở về nước là 2 lần anh được bay trên những chuyến bay "giải cứu".
Anh Long cho biết năm 2009 anh đi xuất khẩu lao động tại Libya, công việc đang trôi chảy thì hơn một năm sau, Libya xảy ra nội chiến, anh cùng hàng nghìn lao động bị mắc kẹt. "Thời gian này, chúng tôi gần như không dám ngủ, bên ngoài tiếng súng nổ, các cuộc tấn công vào nửa đêm trở thành nỗi ám ảnh" - anh Long nhớ lại. Sau hơn 10 ngày, anh Long và các lao động khác được chia thành nhiều hướng, đi qua các nước láng giềng khác như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia... để từ đó được đưa về Việt Nam trên các chuyến bay nhân đạo do Việt Nam phối hợp thực hiện. "Tôi nghĩ có lẽ cuộc đời đây là chuyến bay đặc biệt nhất, sẽ không bao giờ còn có chuyến bay nào như thế này nữa..."- anh Long tâm sự.
Năm 2012, anh Long tiếp tục đi xuất khẩu lao động tại Dubai, công việc tạm ổn, sau đó cứ 2 năm một lần anh Long được gia hạn hợp đồng. Đến tháng 4-2020, dịch Covid-19 bùng phát, công việc thưa dần, hết thị thực, anh Long cùng hàng ngàn lao động khác bị mắc kẹt tại Dubai suốt nhiều tháng, khi các sân bay đã đóng cửa. "Một lần nữa, tôi lại chờ đợi các chuyến bay giải cứu nhưng lần này không còn là 10 ngày như trước mà là nhiều tháng. Tôi thấm thía hơn ai hết 2 từ mắc kẹt, tôi càng hiểu rõ ý nghĩa như thế nào khi được đặt chân xuống đất mẹ"- anh Long nghẹn ngào.
Anh Nguyễn Long khi chuẩn bị được đưa từ Dubai về Việt Nam bằng chuyến bay giải cứu
Tháng 10-2020, anh Long cùng hàng trăm lao động khác đã được đưa về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu và đưa về TP Nha Trang để thực hiện việc cách ly. Anh nói 2 lần được bay trên các chuyến bay giải cứu, là những trải nghiệm không thể nào quên được. Đó là được về với quê hương sau bao ngày mong ngóng. "Tôi rất biết ơn đất nước, biết ơn những chuyến bay nhân đạo đã giúp các lao động ở khắp thế giới có cơ hội trở về trong những hoàn cảnh thật đặc biệt" - anh Long bày tỏ.
Trong năm qua, Việt Nam đã thực hiện hàng trăm chuyến bay nhân đạo và giải cứu hàng ngàn người còn mắc kẹt trên khắp thế giới về đoàn tụ cùng gia đình như vậy.
Có những chuyến bay "đặc biệt" như chuyến bay có quá nửa số hành khách bị mắc Covid-19, chuyến bay đầu tiên vào tâm dịch Vũ Hán, chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ, chuyến bay chở toàn phụ nữ mang thai, chuyến bay chở trẻ em được gửi về nước….. Trên những chuyến bay đặc biệt đó, đội ngũ tiếp viên, bác sĩ, hành khách luôn động viên nhau, lo lắng mong mỏi từng giây phút được đặt chân về với đất mẹ.
Bình luận (0)