"Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ ni-lông tức là nhựa và khi thả bóng bay, các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết".
Bức thư với những dòng tâm tư ngắn gọn, súc tích đã nhanh chóng tạo ra dư luận xã hội. Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận thông điệp của bức thư cần nhân rộng và khuyến khích. Bà Nghĩa mong muốn có nhiều hơn nữa những ý tưởng tốt về bảo vệ môi trường của học sinh, đồng thời đề nghị các trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp và tạo không khí hứng khởi trong ngày khai giảng.
Thông điệp của bức thư cũng đã lan tỏa đến đất Sen hồng Đồng Tháp. Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, vừa có thư kêu gọi toàn thể cán bộ quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Trong thư, ông Liêm tha thiết đề nghị học sinh, các cơ sở giáo dục dần dần hạn chế và tiến đến chấm dứt việc thả bóng bay trong ngày khai giảng, ngày hội, lễ, Tết… để dần thay đổi thói quen; tiến đến không sử dụng sản phẩm từ nhựa, tăng cường các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nguyệt Linh tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, biết và không ngần ngại bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Việc làm đó thật đáng trân trọng. Và đáng mừng hơn khi thông điệp "không thả bóng bay trong ngày khai giảng" đã được cộng đồng tiếp nhận, thậm chí nâng tầm thành "không thả bóng bay trong lễ, hội".
Bình luận (0)