Ngày 28-1, TP Hà Nội phát hiện bệnh nhân (BN) Covid-19 số 1694, sau đó liên tiếp nhiều người thân của BN này được phát hiện mắc Covid-19, một trong số đó có BN 1719 (nam, 9 tuổi) là học sinh lớp 3E của Trường Tiểu học Xuân Phương. Ngay sau đó, toàn bộ học sinh lớp 3E và cô giáo chủ nhiệm đã được cách ly tập trung tại trường từ tối 30-1.
Thương con phải ở một mình trong khu cách ly
"6 giờ ngày 30-1, tin nhắn của Trường Tiểu học Xuân Phương có thêm từ "khẩn": Phụ huynh học sinh lớp 3E dương tính với virus Covid-19, con là F1 và cán bộ, giáo viên, học sinh trường có nguy cơ là F2, F3. Mẹ giật mình, cảm giác mối nguy hiểm đang đến rất gần" - một người mẹ có con nằm trong số học sinh đi cách ly đã mở đầu nhật ký từng giờ trải qua khoảng thời gian lo lắng cho con, sau đó vài ngày chị đã vào khu cách ly cùng con.
Học sinh Trường Tiểu học Xuân Phương vui chơi trong khu cách ly của nhà trường .Ảnh: TUYẾT LAN
"Tin nhắn Zalo nhóm lớp con lại rào rào: "Kiểu này chắc chắn bạn ấy dương tính rồi". Mẹ thực sự hoang mang, thôi, cứ coi như con nhà mình đã thành F1, chuẩn bị tinh thần cách ly thôi. Ông bà, cô, cậu gọi điện hỏi thăm tình hình của con làm mẹ càng thêm rối. Bố phân công nhiệm vụ: mẹ trực tin trên điện thoại, bố và chị chuẩn bị mọi thứ cho em. Không khí gia đình vẫn sôi nổi như mọi khi. Bố mẹ cười đùa, trêu em đi nhập ngũ, chị nhường đồ ăn, bảo ăn đi không mấy hôm nữa lại không được ăn cơm mẹ nấu. Nhưng thực ra trong lòng bố mẹ đang rối bời, luống cuống, không biết phải làm thế nào để tốt nhất cho em" - nhật ký của phụ huynh viết.
"Mẹ không lo em quấy khóc, không lo việc ăn uống, ngủ nghỉ, chơi đùa. Nhưng đang dịch bệnh thế này, con chưa hiểu rõ việc phải cách ly, con phải ở một mình thì thương quá...".
"Nghĩ đến 21 ngày con ở nơi cách ly, xa gia đình, xa bố mẹ thấy đau lòng; lại nghĩ đến dịch bệnh, đây đã phải là tình huống xấu nhất chưa, còn phải chuẩn bị gì cho con nữa. Dù con khá tự lập, có thể tự chăm sóc bản thân nhưng sao mẹ vẫn thấy lo lắng vô cùng" - vị phụ huynh bày tỏ.
"Em bị gọi dậy, nghe tin đi cách ly tỉnh bơ như được đi chơi. Trên đường đi, mẹ ôm em thật chặt, nghe tiếng thở của con rõ như của mình. Mẹ sắp xếp chỗ ở cho em xong bảo: "Mẹ ở lại với em nhé". "Con ở một mình, mẹ cứ về đi". Nhìn em, mẹ thấy vững tin, thấy em kiên cường như một dũng sĩ nhí. Hơn một giờ, mẹ ra về cùng một vài bố mẹ nữa. Tâm trạng nặng trĩu, cảm giác có lỗi với con, thương con không biết nói thế nào..." - vị phụ huynh trải lòng.
Và đây là tâm trang lạc quan của đấng sinh thành: "Chiều tối, mỗi phòng học trở thành một gia đình: ánh sáng đèn ấm áp, tiếng hát từ tivi, mùi thức ăn, tiếng các mẹ giục giã, tiếng các con cười giòn. Phòng nào cũng bật những bài hát thật vui tươi, không khí Tết vừa rộn ràng vừa bình yên... Mẹ gọi điện cho bố và chị, cho ông bà, cô, cậu, nhớ mọi người và thèm được ở bên cả đại gia đình vô cùng. Giờ thì mẹ và em đang ở bên nhau, cùng nghe chuyện đêm khuya (do cô hiệu trưởng gửi file). Giấc ngủ đến nhẹ nhàng, chờ bình minh ngày mới, chờ an vui năm mới".
"Mẹ yên tâm làm nhiệm vụ, con cách ly rất ngoan"
Ngày 5-2, điểm cách ly của Trường Tiểu học Lai Cách (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) có 62 học sinh, 41 phụ huynh và 7 giáo viên. 17 phòng cách ly được thành lập, trong đó có 2 phòng cách ly riêng biệt được dành cho các em học sinh có biểu hiện sức khỏe bất thường.
Trong số 62 học sinh đi cách ly, có 41 em có bố (mẹ) đi cùng nhưng cũng có những em đặc biệt, phải đi cách ly một mình. Em Ng.H.H (học sinh lớp 4D) cho biết mẹ em vừa sinh em bé, bố phải đi công tác xa nên em phải tự lực cánh sinh, đi cách ly một mình nhưng luôn nhận được sự quan tâm của những người thân.
Còn em Ng.V.L tự "chiến đấu" chống Covid-19 để mẹ em - y tá - yên tâm chăm sóc các BN Covid-19. Em gửi mẹ lời chúc: "Mẹ cứ yên tâm làm nhiệm vụ cho tốt nhé! Con ở trong này rất ngoan, rất ổn và mọi người rất quan tâm ạ".
Có mặt cùng các học sinh tại điểm cách ly, cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên dạy thể dục của Trường Tiểu học Lai Cách, bày tỏ: "Đây có lẽ là thời khắc khó khăn nhất với các em. Dù các em nhận được sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên và nhân viên y tế nhưng cách ly, xa nhà quá lâu cũng khiến các em bị áp lực. Chúng tôi đã luôn động viên để các em vơi đi nỗi nhớ nhà".
Anh Lưu Văn Khanh - nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Cẩm Giàng, túc trực trong khu cách ly tại Trường Tiểu học Lai Cách có đến 100 người gồm học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo - tâm sự: "Nhiều lúc trong khu cách ly, nhìn các con còn nhỏ, bố mẹ công tác xa không thể đi cách ly cùng, đứng khóc một góc, tôi là đàn ông nhưng cầm lòng không nổi. Các em cũng là chiến binh của cuộc chiến này".
Những người góp phần ngăn "thần chết"
Chia sẻ về làm việc ở một nơi vô cùng đặc biệt, làm việc xuyên cả Tết, chị Lê Thị Thu Hương, điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến Củ Chi - người gắn bó với bệnh viện dã chiến từ những ngày đầu, nói rằng chị cảm thấy tình cảm ấm áp nơi đây bởi tình người và sự sẻ chia, thấu cảm.
Ở đây, chị có thêm những đồng đội là các y - bác sĩ từ các bệnh viện của TP chi viện cũng như các bạn trẻ từ Bộ Tư lệnh TP. Tất cả đều hết lòng "đồng cam cộng khổ", san sẻ cho nhau. Do phải chấp nhận sống cách ly với người thân, gia đình nên không ít lần chị bùi ngùi xúc động khi thấy đồng đội nhớ gia đình, nhớ con thơ qua các cuộc điện thoại từ khu cách ly... Các đồng đội của chị không quản ngày đêm thực hiện nhiệm vụ dù phải tiếp cận rủi ro rất cao.
"Ngay cả các ngày ra ca trực, các đồng đội của tôi vẫn sẵn sàng chia sẻ công việc, sẵn sàng động viên người bệnh trước những áp lực tinh thần, đó là điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc và trân quý" - chị Hương tâm sự.
Y sĩ Nguyễn Cao Cường - Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương - cho biết trung tâm là khu cách ly có nhiều người từ nước ngoài, nhiều trường hợp liên quan ca nhiễm tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó phần lớn là người già, người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, có trường hợp bị lên huyết áp thường xuyên nên y - bác sĩ phải túc trực 24/24 giờ. "Tùy theo từng trường hợp khác nhau mà mình cũng có cách chăm sóc riêng" - y sĩ Nguyễn Cao Cường cho hay.
Nhiệm vụ của anh được đồng nghiệp ví như "người ngăn bước chân thần chết" trong khu cách ly. "Mỗi người cứ mỗi ngày phải đo 2 lần huyết áp, đo nhịp tim, khám các bệnh nền để có biện pháp điều trị kịp thời, trong trường hợp xấu thì phải chuyển BN đến bệnh viện tỉnh Bình Dương để điều trị" - y sĩ Cường cho biết.
Người để lại "ấn tượng" nhất đối với đội ngũ y - bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng có lẽ là sản phụ từ Hàn Quốc về cách ly tại đây, bởi có ngày sản phụ này phải khám sức khỏe đến 3-4 lần. Ngày đã thế, có đêm cứ khoảng 2-3 giờ, chị lại "dựng" bác sĩ dậy vì nào là khó thở, nhịp tim đập nhanh. Đó là chưa nói đến trường hợp em bé mới ra đời được hơn 10 ngày phải chuyển về khu cách ly, thế là bác sĩ lại trở thành ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ để chăm lo bỉm, sữa.
Bà Đặng Thị Công - Trưởng Phòng Điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), người vinh dự là 1 trong 20 y - bác sĩ nhận được giải thưởng thường niên "Tỏa sáng blouse trắng" do UBND TP Đà Nẵng trao tặng hôm 27-2 vì có đóng góp, cống hiến cho ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân - nhớ lại lúc cao điểm, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị cùng lúc hơn 100 BN Covid-19, bà là người duy nhất nắm thông tin của từng người bệnh, dõi theo kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của từng BN vào mỗi buổi chiều.
"Công việc của các điều dưỡng là hết sức vất vả, bắt đầu từ trước 6 giờ và khi kết thúc là khoảng 21 giờ. Người bệnh không có thân nhân nên điều dưỡng kiêm luôn chăm sóc. BN nặng, điều dưỡng phải đút cơm, đút cháo, thay áo quần, vệ sinh, cắt tóc, cắt móng tay chân..." - bà Công thuật lại.
Dù có đôi phút chạnh lòng khi phải làm việc trong tình trạng cách ly gia đình nhưng trong mắt những "chiến binh" nơi tuyến đầu chống dịch vẫn toát lên vẻ tự hào vì đã góp phần bảo vệ mình, người thân, cộng đồng trước đại dịch Covid-19.
Cha và con cùng trực xuyên Tết
Ông Ngô Hồng Trường, nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, có con gái cũng làm y sĩ tại trung tâm này nên đợt dịch vừa rồi cùng nhau trực xuyên Tết. "Dù đón Tết trong trung tâm cách ly nhưng tôi cảm thấy rất ấm áp vì có ý nghĩa khi góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung" - ông Trường bày tỏ. Ông Trường cũng cho biết năm nay gia đình ông có chuyện không vui là người thân trong gia đình qua đời nhưng cha con ông cũng không về viếng được. Mình ở lại sẽ tốt hơn cho nhiều người" - ông Trường tâm sự.
Bình luận (0)