Ban đầu là xe ba gác đạp rồi đến xe ba gác máy, xe lôi tự chế, từ thu gom tại các xóm nhỏ rồi mở rộng phạm vi lên khu phố, phường rồi quận. Từ những anh ba - chị tư, thằng hai - con sáu giờ trở thành những cô - dì - chú - bác, đến cả những thế hệ con cháu nối tiếp nghề thu gom rác. Thế nhưng, hơn nửa thế kỷ trôi qua, phương tiện thu gom rác vẫn không mấy thay đổi, vẫn là những chiếc thùng sắt tự chế kéo sau xe, kém thẩm mỹ, mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm khi lưu thông trên đường.
Hơn nửa thế kỷ, phương tiện thu gom rác không mấy thay đổi, vẫn là những chiếc thùng sắt tự chế kéo sau xe, kém thẩm mỹ, mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm Ảnh: HOÀI THIỆU
Đôi mắt trầm tư, ông Lê Dư Hoàng, Phó Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh), chia sẻ: Hơn 30 năm sống với nghề rác, bưng bê từng thùng rác, dọc ngang khắp các hẻm hóc của Sài Gòn, mới thấy thương những người sống bằng nghề này. Ô nhiễm, vất vả, thu nhập chỉ đủ sống nhưng vẫn gắn với nghề vì đa số họ có trình độ học vấn thấp. TP ngày càng phát triển, nhà cửa khang trang, xe gom rác cũ kỹ, lạc hậu đúng là không còn phù hợp nữa. Ai làm nghề này cũng biết cần phải chuyển đổi phương tiện nhưng…
Câu nói bỏ dở của ông Hoàng cũng là tâm tư của hàng ngàn thành viên tại các HTX thu gom rác dân lập khiến họ cứ chần chừ, chờ đợi mãi dù thời hạn "khai tử" phương tiện này sắp đến (dự kiến tháng 10-2019). Theo các HTX, có 2 nguyên nhân, đầu tiên là lo không trả nỗi vốn và lãi vay mua xe; kế đến là nếu mua xe tải nhỏ 550 kg không chở được bao nhiêu rác, tốn công quay vòng, tốn chi phí nhiên liệu, nhân công mà hiệu quả công việc không cao, còn mua xe lớn càng là chuyện khó đối với nhiều xã viên vì không có tiền.
Cái khó này thực ra đã được dự báo từ thời điểm TP cấm xe ba bánh, xe lôi tự chế. Từ lúc cấm đến nay đã 6 năm, quá đủ thời gian để các xã viên chuẩn bị chuyển đổi phương tiện nếu muốn tiếp tục với nghề nên chuyện nại nghèo là khó có thể chấp nhận - đã đến lúc người sống với nghề rác phải nhìn thẳng vào thực tế này mà thay đổi.
Bình luận (0)