Tại họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP HCM vào chiều 18-9, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết thành phố chuẩn bị các chiến lược để chuyển sang giai đoạn bình thường mới, sống trong môi trường có Covid-19.
Theo dõi sát tình hình dịch bệnh
Theo bác sĩ Châu, thành phố từng bước nới lỏng giãn cách xã hội dựa vào tình hình diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là tỉ lệ tiêm vắc-xin trên địa bàn. Hiện thành phố đã bao phủ 90% mũi 1, đang tiêm mũi 2 và tiến tới lộ trình đạt 100% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo đó, về chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19, khi có vắc-xin bao phủ, thành phố sẽ tập trung quản lý các F0 xuất hiện tại cộng đồng, đồng thời tăng cường hệ thống điều trị từ các tầng của bệnh viện để bảo đảm F0 đang điều trị tại nhà được chăm sóc tốt, tự hồi phục. Trường hợp nào diễn tiến nặng sẽ được vào các bệnh viện tầng 2, tầng 3 để tập trung điều trị, hạn chế tỉ lệ tử vong. Bên cạnh đó, thành phố sẽ giám sát liên tục dịch tễ học, triển khai xét nghiệm, kịp thời phát hiện ca nhiễm mới để tiếp nhận theo dõi, điều trị.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TP HCM, khẳng định không có chuyện nhận tiền của thân nhân người mất do Covid-19
Về chiến lược xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), thông tin: Từ nay đến hết ngày 30-9, tại các "vùng đỏ", "vùng cam", ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình. Các "vùng vàng", "vùng xanh", "vùng cận xanh" sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình với tần suất 5-7 ngày/lần. Trường hợp người dân tự lấy mẫu, có thể lưu lại dữ liệu và nộp cho cơ quan y tế địa phương để được lưu kết quả.
Theo HCDC, từ nay đến ngày 30-9, TP HCM tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh, việc thực hiện các hoạt động theo tiêu chí an toàn, các mô hình thí điểm để điều chỉnh ngay những vấn đề chưa phù hợp. Sau ngày 30-9, việc điều chỉnh mức độ giãn cách xã hội phụ thuộc rất lớn vào kết quả kiểm soát dịch bệnh cũng như hiệu quả những giải pháp đang triển khai và sự ủng hộ của người dân thành phố.
Cưỡng chế F0 ra đường
Một trong những thông tin đáng chú ý là những ngày qua, cơ quan chức năng phát hiện trong số những nhóm đối tượng được cho phép lưu thông có một số trường hợp là F0.
Tại họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, xác nhận theo thống kê đến ngày 16-9, Công an thành phố phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo là F0 qua chốt, trạm kiểm soát nội ô. Trong đó, qua xác minh có 33 F0 khỏi bệnh, 102 trường hợp còn lại đang cách ly tập trung (26 trường hợp) và cách ly tại nhà (76 trường hợp).
Về việc kiểm soát lưu thông đối với F0 đang thực hiện cách ly, thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin trong 102 trường hợp trên, có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường. Trong đó, Công an thành phố đã thu hồi giấy đi đường của 10 trường hợp, 40 trường hợp còn lại bị hủy vì không thuộc diện được cấp giấy đi đường. "Các trường hợp không được cấp giấy đi đường nằm trong nhóm người đi cách ly, đi tiêm ngừa, nhân viên y tế, người đi khám bệnh từ bệnh viện về nhà..." - thượng tá Hà giải thích.
Trước đó, Công an TP HCM cho biết các trường hợp F0 ra đường sẽ bị cưỡng chế đưa về địa phương cách ly, làm rõ và giao Sở Y tế xử lý vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Thông tin thêm về công tác kiểm soát người di chuyển tại quận 7 và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, thượng tá Hà nêu rõ Công an thành phố đã giao công an 3 địa phương này phối hợp tham mưu cho UBND quận, huyện cùng cấp để xây dựng kế hoạch mở lại một số hoạt động mà thành phố cho phép. Bên cạnh đó, Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án bố trí lại các chốt kiểm soát phù hợp với kế hoạch của UBND thành phố.
Bộ Y tế cho biết ngày 18-9, nước ta ghi nhận 9.373 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.827 ca trong cộng đồng. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ghi nhận trong nước giảm 2.146 ca. Trong đó, TP HCM giảm 1.735 ca, Bình Dương giảm 1.136 ca. Cùng ngày, có thêm 14.903 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 448.368. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.477 ca.
N.Dung
Không nhận tiền của thân nhân có người mất do Covid-19
Hiện nay, Bộ Tư lệnh TP HCM đảm nhiệm việc tiếp nhận, lưu giữ, quản lý, hỏa táng và vận chuyển tro cốt của người tử vong do Covid-19 về với gia đình. Trước thông tin có một số người tự xưng là nhân viên của cơ sở mai táng gợi ý với gia đình có người thân qua đời do Covid-19 nộp tiền để họ phối hợp với lực lượng quân sự đưa tro cốt về sớm nhất, thượng tá Nguyễn Thanh Phong - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh thành phố - khẳng định không có chuyện này.
"Bộ Tư lệnh khẳng định không có chuyện phối hợp với cơ sở mai táng nhận tiền của người thân để xử lý nhanh. Tất cả đều được cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh thành phố tiếp nhận, đối xử như người thân của mình, không có chuyện phối hợp nâng giá, có gửi tiền cảm ơn cũng không nhận" - thượng tá Phong nhấn mạnh.
Bình luận (0)