xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện làm ăn ven kênh Vĩnh Tế

Bài và ảnh: THỐT NỐT

Kênh Vĩnh Tế không chỉ giúp tháo chua, rửa phèn đối với hàng trăm ngàn hecta đất ở vùng Tứ giác Long Xuyên mà còn là nơi sinh kế của người dân nghèo sống bằng nghề đánh bắt thủy sản

Những ngày cuối năm, người dân An Giang sống dọc kênh Vĩnh Tế miệt mài làm đủ mọi việc với hy vọng sẽ tích lũy ít tiền sau nhiều tháng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chịu khó thì thành công

Đang nằm nghỉ, thấy chúng tôi đến, cụ Huỳnh Văn Hồ (ngụ ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) dậy mời vào căn nhà khang trang vừa xây nhờ tiền bán cá tra giống tích góp nhiều năm.

Cụ cho biết trước đây cả gia đình phải sang tận Biển Hồ (Campuchia) để làm thuê, ai kêu gì làm nấy. Thời gian sau, cụ nghĩ ra việc sử dụng tre nứa làm lồng bè nuôi cá tra, cá basa. Suôn sẻ được ít năm thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra nên phải trốn chui trốn nhủi để tránh Khmer Đỏ.

Sau năm 1975, gia đình cụ quay lại cố hương, ở ngay đoạn ngã ba sông Hậu với kênh Vĩnh Tế, thuộc xã Vĩnh Nguơn (nay là phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc) để làm thợ máy. Rồi cụ ước mơ làm giàu từ nghề nuôi cá da trơn mà bản thân đã có kinh nghiệm. Nghĩ là làm, cụ gom hết vốn liếng đóng bè cá và thành công trong nhiều năm sau đó.

"Khoảng năm 2000, tôi gác lại ước mơ này vì liên tục bị thương lái giật tiền mua cá, đến nỗi không còn cơm để ăn. Đường cùng, tôi phải bán luôn 3 bè cá để có vốn tìm vùng đất mới sinh sống. Ban đầu, thấy vùng đất ở xã Vĩnh Tế còn là rừng tràm, cỏ đinh dày đặc nhưng rất lý tưởng vì có kênh lớn, tôi nghĩ nơi đây có thể gầy dựng lại cơ nghiệp" - cụ Huỳnh Văn Hồ nhớ lại.

Thời điểm đó, cả đoạn kênh này dài hơn chục cây số nhưng chỉ có một ít hộ dân từ Đồng Tháp hay Tiền Giang đến định cư bằng nghề đánh bắt cá. Cụ Huỳnh Văn Hồ miệt mài cải tạo khu đất rộng hơn 7.000 m2 thành ao nuôi cá tra giống dù biết lợi nhuận không cao so với nuôi cá thương phẩm.

"Hiện giờ, tôi đã cho đứa cháu thuê lại toàn bộ ao cá này với giá hơn 20 triệu đồng/năm vì không còn sức khỏe để tới lui chăm sóc cá nữa. Có thể nói, tuy là vùng đất khắc nghiệt nhưng chịu khó thì thành công thôi. Thật lòng mà nói, không có kênh Vĩnh Tế thì dân ở đây còn khổ lắm, thậm chí không có ai dám đến ở" - cụ Huỳnh Văn Hồ khẳng định.

Nơi ông Nguyễn Văn Mềm (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) sinh sống là đoạn cuối cùng của kênh Vĩnh Tế trước khi kết nối với sông Hà Giang rồi đổ ra biển Tây. Quê ông ở TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) nhưng đã vào đây định cư được gần 40 năm.

Ông Mềm cũng trải qua những tháng năm gian khó trên mảnh đất Tây Nam này. Bởi khi đặt chân đến đây thì bốn bề là rừng tràm nguyên sinh ngút ngàn. Những nơi không có rừng thì là khoảng đất trống mênh mông, chỉ có cỏ sống sót do thích nghi được với đất phèn. Hằng ngày, vợ chật vật với việc vào rừng mót củi khô đem ra chợ bán, đổi gạo; còn ông Mềm đi xa hơn, ai thuê gì thì làm.

Chuyện làm ăn ven kênh Vĩnh Tế - Ảnh 1.

Diện tích nuôi tôm công nghiệp của người dân và doanh nghiệp ven bờ kênh Vĩnh Tế, đoạn qua xã Phú Mỹ, không ngừng tăng lên

"Khó khăn nhất là những tháng mùa khô, vì đoạn kênh này gần như bị trơ đáy. Trong khi đó, các ao nước còn sót lại trên những cánh đồng năn nhiễm phèn nặng nên không có cách nào sử dụng được. Thời điểm đó, nước ngọt quý hơn vàng nên mỗi lần đi làm xa là tôi mang theo 2 can nhựa khoảng 10 lít để hứng nước giếng đem về sử dụng" - ông Mềm nhớ lại.

Thấy được những khó khăn này của người dân, chính quyền địa phương đã huy động sức dân cùng đoàn dân công hỏa tuyến khơi thông dòng chảy bằng việc nạo vét thủ công. Mỗi người được giao đào sâu 0,5 m và 30 m theo chiều ngang kênh. Vài năm sau, đoạn kênh tiếp tục bị bồi lắng do phù sa và rác thải từ thượng nguồn đổ về tích tụ dần.

"Khổ nhất là đợt lũ lịch sử năm 2000 nhấn chìm gần như toàn bộ đất đai và gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa của người dân trong xã Phú Mỹ. Khi lũ qua, nhiều người rời quê đi xứ khác làm ăn. Nhiều người ở tận Cà Mau, lên đây tranh thủ sang nhượng đất với giá rẻ rồi bày chuyện nuôi tôm quảng canh, hốt bạc trong vài vụ đầu tiên. Gia đình tôi không vốn liếng, cũng không biết kỹ thuật nên chủ yếu sống nhờ vào tôm cá tự nhiên để cầm cự qua ngày" - ông Mềm kể.

Đời sống ngày càng khấm khá

Những năm sau đó, kênh Vĩnh Tế tiếp tục được nạo vét bằng phương tiện hiện đại nên nhiều doanh nghiệp từ nơi khác đổ xô về thuê hoặc mua hẳn đất ruộng dọc kênh để cải tạo nuôi tôm công nghiệp. Nhờ vậy, nhiều thanh niên trong vùng có công ăn việc làm với mức lương không dưới 6 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, khi chính quyền cùng ngành chức năng làm hệ thống ngăn mặn thì người dân ở xã Phú Mỹ có ruộng phía bên ngoài cống có nước mặn từ biển vào thì đầu tư nuôi tôm công nghiệp. Những hộ phía trong thì tận dụng nước ngọt của kênh để trồng lúa hoặc cải tạo đất trồng cây ăn trái hay đào ao nuôi cá. Nhờ vậy, đời sống ngày càng khấm khá hơn.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ phường Núi Sam, TP Châu Đốc) cho biết từ nhỏ đã theo cha ngược sông Hậu về kênh Vĩnh Tế để đánh bắt cá. Đến khoảng năm 1992, gia đình anh quyết định chọn bến kênh này làm chốn đi về sau những ngày vất vả mưu sinh với nghề giăng câu, thả lưới trên cánh đồng giáp biên giới. Khi lũ rút cạn đồng là lúc tôm cá tập trung dưới kênh Vĩnh Tế để ra sông lớn về thượng nguồn.

Chuyện làm ăn ven kênh Vĩnh Tế - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết dòng kênh Vĩnh Tế là nơi nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình anh nhờ vào đánh bắt thủy sản

"Nghề như tôi thì cứ mãi lênh đênh trên sông nước, biết bao giờ mới được lên bờ cất nhà ở cho ổn định như người ta. Gia đình tôi có đến 2 thế hệ sống nhờ dòng kênh này nhưng thu nhập không nhiều như trước do cá tự nhiên ngày càng ít" - anh Tuấn lo lắng.

Năm 2000, ông Đinh Văn Kéo (ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) cùng nhóm bạn ở huyện Chợ Mới về đây lập nghiệp. Do vùng này lắm phèn nên lúa sống èo uột hoặc bị tím bông, chuột cũng cắn phá rất dữ, do vậy nhiều người chỉ cầm cự được vài năm rồi trở về cố hương trong cảnh nợ nần.

"Chỉ còn mỗi mình tôi bám trụ được vì chọn phương án mua đất giá rẻ nhưng không đầu tư hết diện tích để tránh lỗ kéo dài. Vùng này không còn phèn và màu mỡ hơn kể từ khi nhà nước đầu tư đào kênh T5 để lấy nước dẫn vào đồng ruộng. Lúa trúng mùa, bán được giá cao hơn nhờ thương lái có thể chạy ghe đến thu gom ngay bên bờ ruộng. Nên chỉ vài năm sau, nhiều người trở nên khấm khá. Tôi có khoảng 6 ha nhưng đã cho người khác thuê hết, vì không đủ sức để làm" - ông Kéo bộc bạch.

Chuyện làm ăn ven kênh Vĩnh Tế - Ảnh 3.

Dòng kênh Vĩnh Tế không chỉ mang nước ngọt phù sa bồi đắp cho đồng ruộng trong vùng Tứ giác Long Xuyên mà còn là tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương

Mở rộng dần diện tích lúa

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết cách đây hơn 3 năm, tỉnh này đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo kênh Vĩnh Tế thuộc hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đầu năm 2021 dự án mới triển khai và đã đội vốn lên khoảng 30 tỉ đồng. Theo đó, đơn vị thi công sẽ dùng tàu hút để nạo vét hơn 46 km kênh, qua TP Châu Đốc cùng các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

"Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Dự án còn góp phần bảo đảm an toàn dân sinh và cơ sở hạ tầng. Khi hoàn thiện sẽ giúp các địa phương trong vùng chủ động có nguồn nước tưới tiêu, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn, ổn định cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuyến kênh này còn phục vụ vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản cho người dân để tiết kiệm chi phí sản xuất" - ông Lâm thông tin.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết quê ông ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn). Từ nhỏ, ông đã cảm nhận được giá trị mà kênh Vĩnh Tế mang lại không chỉ riêng cho huyện Tri Tôn mà cả Tứ giác Long Xuyên.

Kênh Vĩnh Tế đã đưa nước ngọt kèm phù sa để vun đắp cho ruộng đồng của 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Từ đó, nhiều địa phương mở rộng dần diện tích trồng lúa. Kênh Vĩnh Tế còn được đánh giá là tuyến đường thủy huyết mạch để giúp giao thương hàng hóa từ TP Châu Đốc đến TP Hà Tiên.

"Tôi còn nhớ một vị giáo sư người Mỹ từng nhận giải thưởng Nobel về kinh tế, nói rằng có kênh Vĩnh Tế thì hàng hóa từ nước ngoài đi qua dễ dàng hơn là đi vòng qua TP HCM. Có 3 điều tiên quyết để giúp quốc gia phát triển thì không gì hơn là giao thông thuận lợi. Nếu trước đây chưa có đường bộ để giúp thương nhân vào tận vùng sâu, vùng xa thu mua nông sản thì kênh Vĩnh Tế đã đóng vai trò vô cùng quan trọng này" - GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định. 

Bây giờ, mỗi khi về quê, tôi vô cùng vui vì đời sống người dân không ngừng phát triển, hệ thống giao thông thủy bộ liên hoàn. Từ dòng kênh này, chính quyền địa phương xẻ thêm những tuyến kênh nhỏ dẫn nước vào tận các thửa ruộng dưới chân núi hoặc xây dựng mương bê-tông để bơm nước lên giúp bà con sản xuất” - GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo