xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện người lính 5.000 ngày xây đảo Trường Sa

Bài và ảnh: MAI THẮNG

Sau khoảng 5.000 ngày vác đá xây đảo và 34 năm lăn lộn với biển cả, hành trang đọng lại trong trái tim ông là tình đồng đội - một tình cảm thiêng liêng không gì đánh đổi được

15 năm gắn bó với Trường Sa (được giải phóng vào ngày 29-4-1975), ông cùng những người lính trẻ đảo Phan Vinh đã ăn, ngủ với chim hải âu, vịt biển; uống nước tiểu của đồng đội để duy trì sự sống khi lạc giữa đại dương và vượt qua muôn vàn nhọc nhằn gian khổ. Ông là cựu binh đảo Phan Vinh, trung tá Trương Huy Mão.

Hoa lửa giữa ngàn khơi

Để hiểu về người con của biển này, tôi đã đến căn nhà cấp 4 của ông ở khu tập thể A Hải quân, Lữ đoàn 171 ( phường 11, TP Vũng Tàu). Nhắc chuyện xưa, đôi mắt ông rực sáng, "Đã 40 năm, những ngày cùng đồng đội vác đá xây đảo làm sao mà quên được chứ. Nó đã hằn sâu trong máu thịt tôi rồi".

Chuyện người lính 5.000 ngày xây đảo Trường Sa - Ảnh 1.

Chiến sĩ đảo Phan Vinh thả lưới bắt cá, cải thiện đời sống (Chụp lại từ ảnh tư liệu)

Mời tôi ly nước trà xanh, ông Mão mở đầu câu chuyện: "34 năm trong đời quân ngũ, 15 năm lăn lộn với Trường Sa, tôi không bao giờ quên được những ngày vác đá xây đảo Phan Vinh cùng những người lính trẻ" - ông dừng lời tìm về ký ức.

Chuyện người lính 5.000 ngày xây đảo Trường Sa - Ảnh 2.

Vợ chồng người cựu binh Trương Huy Mão và Võ Thị Hồng

Sau khi học Trường Sĩ quan Chính trị, năm 1978, ông mang quân hàm thiếu úy xung phong ra Trường Sa xây đảo. Phan Vinh là đảo mà ông và 56 chiến sĩ trẻ đặt chấn đến đầu tiên. "Khi ra đến nơi, bọn tôi không thể tưởng tượng nổi. Một bãi sỏi đá lẫn cát hoang sơ dưới cái nắng khốc liệt như dội lửa. Sóng ầm ầm, gió rát mặt, chim hải âu và vịt biển dày đặc, làm gì để tồn tại khi trước mặt mình chỉ toàn sỏi, cát" - ông Mão nhớ lại.

Ông kể, việc đầu tiên là dựng lều để tránh nắng, gió sau đó mới tính chuyện xây nhà. Tận dụng những tấm ghi cũ dựng lên làm vách, cột lều là đoạn xà cừ, mái lều được che bằng bạt xác rắn và bao tải gai. Ban ngày bộ đội vác đá từ tàu vào đảo. Ban đêm 56 con người chui vào 3 túp lều nằm tràn lan trên cát. Khổ nhất là khi giông tố ập đến, không biết chui vào chỗ nào để tránh mưa. Nhiều chiến sĩ đứng chịu trận giữa mưa trời, sau đó lăn ra ốm.

Nhấp thêm ngụm trà xanh, ông Mão tiếp tục câu chuyện: "Lúc đó chim hải âu, vịt biển nhiều vô kể. Chúng rất dạn người. Buổi sáng sớm chúng bay ra mép đảo mò cá, tối bay về ngủ với người. Lúc chúng tôi ngủ say, chim rúc cả vào nách áo. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, ngày xây đảo, đêm ngủ với chim biển giữa trời. Những năm tháng ấy đẹp đẽ nhất như hoa lửa giữa ngàn khơi vậy".

Quý từng giọt nước

Người ta có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn nước. Ở đất liền, một người bình quân sử dụng cả trăm lít nước mỗi ngày. Vậy mà ông Mão và 56 chiến sĩ công binh Hải quân ở đảo Phan Vinh ngày ấy chỉ được sử dụng tối đa một lít/ngày/người và chỉ dùng cho đánh răng, rửa mặt. "Nếu lính bây giờ đi đảo có thể được nằm máy lạnh, nhưng ngày xưa được uống ca nước lã là hạnh phúc lắm rồi. Cả đảo 56 con người chỉ có 2 bồn nước ngọt dự trữ. Mỗi ngày, một người chỉ được chia một cà mèn. Đánh răng thì thôi rửa mặt. Nhiều chiến sĩ chỉ nhúng nửa cái khăn cho ướt để lau hai con mắt" - ông cười.

Để quản lý chặt chẽ nước ngọt, mọi người nghĩ ra cách dùng đến 3 ổ khóa để khóa bồn nước. Một chìa phó hậu cần giữ, một chìa quản lý giữ, một chìa giao cho trực ban. Sau kẻng báo thức mỗi buổi sáng sớm, là "bộ ba" đem chìa khóa mở bồn, phát nước cho các chiến sĩ mỗi người một cà mèn. Mặc dù có đến 3 khóa, nhưng nước vẫn "thất thoát" thường xuyên.

Giải thích hiện tượng này, ông Mão cười khà khà: "Do không có nước tắm, nhiều chiến sĩ hăm loét khắp người. Họ "ăn trộm" nước ngọt bằng cách dùng ống tuy-dô (dây truyền huyết thanh cho bệnh nhân), một đầu buộc cục đá, bí mật thả vào bồn nước khi bộ đội đi ngủ, đầu kia dùng miệng hút cho nước chảy ra. Nghĩ lại, thương anh em thật".

Kết thúc câu chuyện kể về nước ngọt, ông Mão khôi hài: "Mỗi lần trời mưa, tất cả cán bộ chiến sĩ "tồng ngồng" như nhau ra tắm. Ai không ra nhanh hết mưa ráng chịu. Nhiều người đem chăn, màn, quần áo ra phơi". Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích: "Sở dĩ "phơi" chăn màn khi trời mưa là để vắt bớt mùi mồ hôi và nước mặn từ lâu đã ngấm vào mà không có nước ngọt để giặt".

Chống chọi với thần chết

Cho đến bây giờ sau 40 năm, cựu binh Mão vẫn nhớ như in lần ông và 6 đồng đội trôi lạc 8 ngày trên biển.

Cuối một chiều tháng 7-1978, hai chiến sĩ trẻ chạy ra mép đảo giữ lại chiếc xuồng cao su bị sóng biển đánh. Đúng lúc ấy, một cơn sóng lừng ập tới đánh trôi xuồng mỗi lúc một xa khi trời tối dần. Toàn đảo báo động tìm người. Lúc đó đại úy Vũ Hà là đảo trưởng đã chỉ huy 6 tiểu đội trưởng khẩn cấp xuống xuồng nhôm đi tìm 2 chiến sĩ. Sóng lớn, 7 người trên xuồng nhôm trôi tự do giữa biển đêm mỗi lúc xa dần. Ngày thứ nhất trôi qua, rồi ngày thứ hai, thứ ba... xuồng trôi không phương hướng. Trong khi 7 chiến sĩ đối mặt với sóng gió, thì biên đội tàu đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển bắt đầu xuất phát tìm kiếm.

Giữa biển bao la, không một phương tiện định vị, không thông tin liên lạc, các chiến sĩ cố chèo, nhưng chẳng biết chèo đi đâu vì không xác định được phương hướng. Quần áo rách tơi tả do vật lộn với sóng. Mọi người lấy dây chảo gỡ thành sợi, đắp lên người che thân chống nắng. Không nước uống, không lương khô, anh em đói, khát cực độ. Để sống, các chiến sĩ đái vào 2 chai nhựa vớt được trên biển và uống nước tiểu của mình. Đúng lúc cái chết cận kề, họ bắt được hai con chim hải âu. Để sống, không còn cách nào khác, ăn thịt chim sống. Người nào khỏe hơn ăn xương, cánh, chân, người nào yếu ăn gan. Đến ngày thứ 8 thì xuồng dạt vào một bãi san hô cạn không người ở. Sau đó được tàu đến cứu vớt và đưa trở lại đảo. "Khi đưa 7 chiến sĩ trở lại đảo, mặt mũi, tay chân đều phồng rộp vì nắng" - ông nhớ lại.

Lúc đó đảo trồng được hai luống rau dưới giao thông hào. Bảy chiến sĩ "chết hụt" được ưu tiên ăn rau xanh để chống nhiễm trùng. Đó là những ngày tháng cực khổ nhất nhưng cũng vinh quang nhất. Bây giờ nghĩ lại thấy tình cảm thiêng liêng vô cùng" - ông Mão chia sẻ. 

Hạnh phúc bình dị

Lần nghỉ phép duy nhất sau một năm đi đảo Phan Vinh, năm 1978, ông Mão về quê cưới vợ. Người chọn ông làm chồng lúc đó là cô công nhân ngành xây dựng thuộc Công ty 4 tỉnh Hà Tĩnh, tên Võ Thị Hồng.

Để cưới được bà Hồng, ông phải về quê xin giấy giới thiệu của xã khẳng định bà Hồng chưa có chồng, rồi trở lại đơn vị chứng nhận, sau đó mới quay ngược lại về quê đăng ký kết hôn. Trước ngày cưới một tuần, xã treo một tấm bảng to ở ủy ban, viết: "Anh Trương Huy Mão, kết hôn cùng cô Võ Thị Hồng" để trong xã "kiểm tra" xem đúng thực là hai người lấy nhau lần đầu không, có ai kiện gì không?

Theo phong tục ở xã Thạch Hạ, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) ngày ấy, cô dâu về nhà chồng phải được chú rể tặng bộ quần áo mới, đôi dép và cái nón, coi đó là "vật cầu hôn". Song ông Mão cũng không làm được điều bình dị ấy. "Lúc đó mình có tiền đâu. Lương sĩ quan được 49.000 đồng" - ông Mão nói. Nghe chồng nói chuyện cưới ngày xưa, bà Hồng chen vào: "Ngày cưới tui mặc áo công nhân, còn ông Mão mặc áo bộ đội hải quân chứ làm gì có áo vét, váy như bây giờ. Vậy mà vẫn thấy vui và hạnh phúc. Mà cái thời đó, ai cũng như mình cả".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo