Ngày 14-9, sau khi Báo Người Lao Động đăng bài "Chuyện thật như đùa ở Bình Ðịnh: Phá rừng do... nhầm lẫn!?", nhiều người dân xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã liên hệ với phóng viên để tiếp tục thông tin và cung cấp tài liệu liên quan đến vụ việc này. Qua đây, người dân khẳng định việc phá rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An để làm dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ (do Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư) không phải do nhầm lẫn!
"Họ lén lút và "lau chùi" sạch sẽ đến thế cơ mà"
Đại diện Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch phát biểu trên báo cho rằng việc phá 5,26 ha rừng phòng hộ ở địa phương để làm nhà máy điện do "nhầm lẫn". Theo người dân xã Mỹ An, giải thích này của nhà thầu là ngụy biện, không thể chấp nhận được. Bằng chứng mà người dân đưa ra là việc phá khu rừng phi lao phòng hộ ven biển tại 2 thôn Xuân Bình và Xuân Phương, xã Mỹ An bắt đầu diễn ra vào đêm 6-8.
Bức xúc trước vụ việc trên, ngay sau khi phát hiện công nhân thi công Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ chặt phá khu rừng phòng hộ ngoài khu vực được giao đất làm dự án, người dân thôn Xuân Phương báo cáo với lãnh đạo thôn này. Sau đó không lâu, người dân địa phương thấy lãnh đạo xã Mỹ An xuống hiện trường khu rừng phòng hộ bị phá để kiểm tra. Thế nhưng, vụ việc phá rừng sau đó vẫn cứ thế tiếp diễn. Đến cuối tháng 8, khi đoàn công tác của huyện Phù Mỹ đến kiểm tra, vụ việc phá rừng phòng hộ ở nơi này mới được dừng lại.
"Dẫn ra như trên để thấy, đại diện chủ đầu tư dự án nói do nhầm lẫn mốc giới nên nhà thầu đã phá 5,26 ha rừng phòng hộ là ngụy biện, không thể chấp nhận được" - nhiều người dân địa phương bức xúc.
Khu vực rừng phòng hộ bị tàn phá và hàng rào bằng lưới B40 được kéo ra rào lại những khoảnh rừng vừa hoàn thành đốn hạ
Ngoài "bằng chứng sống" trên, anh N.V.C (ngụ thôn Xuân Bình, xã Mỹ An) còn cung cấp thêm không ít bằng chứng khác để phản biện cho lập luận nhầm lẫn từ đại diện chủ đầu tư. Đó là thời điểm trước khi huyện xuống làm việc, bắt đầu từ đêm 6-8, cứ đêm đến, công nhân lén lút đưa máy móc đến triệt hạ khu rừng phòng hộ rồi dọn dẹp hiện trường, kéo rào bao lại khu vực bị phá, còn ban ngày thì nghỉ. Sau khi cưa hạ, công nhân tổ chức đào lấy gốc, dọn dẹp sạch sẽ thân, lá phi lao tại hiện trường ngay trong đêm.
Cứ thế, sau mỗi sáng thức dậy, người dân địa phương lại phát hiện khu rừng phòng hộ lộ thêm một khu đất trống. Song hành với việc phá rừng, công nhân thi công nhà máy điện còn sử dụng hàng rào bằng lưới B40 theo kiểu "di động". Tức là sau vài đêm phá rừng rồi dọn dẹp hiện trường, công nhân kéo hàng rào làm bằng lưới B40 ra rào khu vực rừng vừa bị phá chung với diện tích đất trong khu vực đang thi công nhà máy.
"Với tất cả những gì đã diễn ra và những gì chúng tôi chứng kiến thì một lần nữa tôi khẳng định đây là cố tình phá rừng chứ không thể nào là vô tình. Họ lén lút và "lau chùi" sạch sẽ đến thế cơ mà" - anh N.V.C lần nữa khẳng định và một lần nữa mong các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc, lôi bằng được những ai cố tình làm sai ra ánh sáng.
Ngày càng khó hiểu
Liên quan đến việc sau khi xã xuống hiện trường kiểm tra thì việc phá rừng phòng hộ vẫn tiếp tục diễn ra, phóng viên đã nhiều lần liên hệ ông Lê Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, để làm rõ nhưng không nhận được ý kiến phản hồi.
Trong khi đó, ông Phan Hữu Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ - thì lại cho hay hiện lãnh đạo huyện đang giao cho các ngành chức năng địa phương xác định lại diện tích rừng phòng hộ ở xã Mỹ An vừa bị phá một cách chính xác, qua đó đề xuất hướng xử lý vụ việc. Tuy đang giao ngành chức năng làm rõ nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ lại nói: "Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch còn dư hơn 11 ha đất tại xã Mỹ An được giao làm dự án chưa đụng đến chứ có phải thiếu đất đâu. Vậy mà không biết sao họ lại "để ý" đến khu rừng phòng hộ nên mới mệt" (?!).
Quay trở lại với chủ đầu tư, nói về hướng khắc phục sai phạm, đại diện Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho biết trong phần đất được cấp của dự án còn 11,2 ha chưa được doanh nghiệp đụng đến, vẫn còn nguyên. Nếu được lãnh đạo tỉnh Bình Định cho phép, doanh nghiệp xin trả lại 11,2 ha này và hoán đổi phần đất 5,26 ha rừng vừa bị chặt phá. (!)
Tại sao dự án còn dư diện tích đất gấp đôi với diện tích rừng bị phá nhưng những người liên quan lại đi tìm cách phá rừng?
Theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích đất "còn dư" nhưng chưa đụng đến như Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy và đại diện chủ đầu tư dự án nói là đất có mồ mả, chưa được giải phóng mặt bằng. Vì vậy, thời gian qua chủ đầu tư dự án không thể lắp đặt máy móc, thiết bị theo kế hoạch, dù thời điểm này dự án sắp được hoàn thành. "Có lẽ do vướng khu đất có mồ mả chưa giải phóng mặt bằng được nên chủ đầu tư dự án cố tình phá khu rừng phòng hộ xã Mỹ An để đổi khu đất ấy, lấy mặt bằng thi công nhà máy điện" - một người dân thôn Xuân Phong đưa ra câu trả lời nghi vấn. Người này cũng bình luận phương án khắc phục của chủ đầu tư là không thể chấp nhận, bởi cứ làm sai, làm bậy rồi đền bù là xong việc sao?
Trước những diễn biến và tình tiết "khó hiểu" trên, sau nhiều cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm câu trả lời xác đáng, cuối cùng phóng viên chỉ có được câu trả lời ngắn gọn từ ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định. Ông Phúc cho biết hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Khi nào vụ việc có kết quả sẽ thông tin cho báo chí!
Cần khởi tố vụ án để điều tra
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, các cánh rừng phòng hộ ven biển tại khu vực miền Trung có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi "lá chắn" xanh này không chỉ tạo nên cảnh quan, môi trường sinh thái, mà còn khống chế tình trạng xâm thực, nạn cát bay, cát chảy, ngăn hơi muối đi sâu vào nội địa... Nạn chặt phá rừng kéo theo những hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Theo đó, chế tài về hình sự là một trong những chế tài nghiêm khắc được áp dụng ở Việt Nam để xử lý các hành vi chặt phá rừng với số lượng lớn và gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, điều 243 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội hủy hoại rừng, có quy định mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và tù có thời hạn cao nhất là 15 năm, ngoài ra còn có hình phạt bổ sung bằng tiền lên đến 100 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm, sau khi chấp hành án xong. Ngoài ra, đối với tội này, có quy định với pháp nhân phạm tội, được quy định tại khoản 5 điều này, cụ thể: Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng; b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 2 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, thì bị phạt tiền từ 5 tỉ đồng đến 7 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điều 79 của bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Đối chiếu sự việc, vừa xảy ra tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, thời gian qua, chúng ta thấy việc trả lời của Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch là có sự nhầm lẫn, một câu trả lời không thể chấp nhận được. Nhầm lẫn đến 56.000 m2 rừng phòng hộ, sẽ để lại hậu quả vô cùng tồi tệ cho nhân dân. "Vì vậy, theo tôi với những sai phạm như báo nêu thì việc khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn đề nghị.
Phạm Dũng ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-9
Bình luận (0)