Về núi Chứa Chan, một trong những ngọn núi cao nhất và hiếm hoi ở Đông Nam Bộ, thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, dù nay đã có cáp treo của khu du lịch nhưng nhiều du khách vẫn thích lên ngọn núi bằng những bậc đá quanh co. Dưới chân núi, nhiều quán xá với nhiều sản vật phục vụ du khách khá nhộn nhịp.
Những phu thồ hàng vác hàng chục ký leo hàng trăm bậc đá từ chân núi lên đỉnh núi
Tùy theo từng dịp, có khi khách đông hoặc vắng nhưng người ta luôn thấy một đội ngũ mang vác thuê túc trực. Họ chia thành hai nhóm, một nhóm gồm toàn thanh niên, lực lưỡng cơ bắp, thường cởi trần mang vác mưu sinh; nhóm kia gồm vài ba người già gian nan kiếm sống. Nhóm phu trẻ thường mang vác đi cùng nhau, lưng trần bóng nhẫy, áo vắt ngang vai, tràn trề sức lao động của tuổi tráng niên; còn vài người già thì lặng lẽ cặm cụi mang vác chậm chạp để mong hoàn thành phần việc của mình.
Đường lên đỉnh núi với hàng ngàn bậc đá quanh co, du khách leo được lên ngọn núi cũng bở hơi tai, cứ đi một chốc lại phải dừng lại nghỉ, tưởng như quãng đường dài vô tận. Nhiều người mang hành lý, lễ vật để dâng hương nhưng họ không thể tự mang lên được. Và đội ngũ gùi hàng thuê này nhận chuyển hàng giúp cho họ. "Cứ tính theo kg lấy tiền, giá theo thỏa thuận nhưng cũng theo mức định sẵn", một phu thồ hàng tại đây cho biết.
Chiều cuối năm, theo chân nhóm gùi hàng "chuyên nghiệp", chúng tôi được họ chia sẻ nhiều tâm sự xung quanh một góc đời, phận người. Đội ngũ thồ hàng hiện có khoảng hơn 20 người. Những người trẻ phần nhiều từ nơi khác đến, người già là dân địa phương nhiều khi theo nghề "cha truyền con nối". Có vài người là dân thập phương nhưng đã định cư buôn bán tại đây, kiêm thêm nghề gùi hàng.
Anh Nguyễn Văn Giang cho biết vợ anh buôn bán từ nhỏ ở đây, còn anh suốt ngày bận bịu kiếm mối gùi hàng, ngày leo lên xuống núi 4-5 bận. Những ai kiếm được nhiều mối thì cùng san sẻ cho bạn đồng nghiệp. Anh Giang cho biết thanh niên khỏe mạnh mỗi ngày lên xuống cũng được 4 chuyến, người lớn tuổi sức yếu thì 2-3 chuyến, mỗi chuyến được khoảng hơn 100 ngàn đồng. Tuy vậy, không phải công việc khi nào cũng đều đặn, có ngày nhiều việc nhưng có ngày chẳng có ai thuê.
Anh Bảy, 25 tuổi, kể quê ở Tiền Giang theo người quen lên đây làm phu và dần gắn với công việc nặng nhọc và cảnh sắc hữu tình nơi đây, với không chút thở than. Ông Lãm, một người thuộc nhóm phu già, hiện đã 57 tuổi, lặng lẽ gùi số hàng của khách cặm cụi khó nhọc lên núi. Ông Lãm làm nghề này đã gần chục năm, nhiều lúc ông muốn bỏ vì thấy sức lực đã cạn nhưng... "Lao động cũng thấy vui, ở đây nhiều khách khứa qua lại, nhìn cảnh sắc trên núi cũng đẹp, con người thì vui vẻ", ông Lãm nói.
Ông cho biết cách đây mấy năm, có nhiều phụ nữ cũng làm nghề gùi hàng thuê ở đây nhưng nay họ không trụ được, đã bỏ nghề hết. Lao động cật lực, bán sức cho đời, nhiều lúc tai nạn trật chân, trật vai nhưng đội ngũ phu hiện nay cho biết vẫn bám núi, mưu sinh bằng công việc lương thiện, nuôi bản thân và gia đình.
Núi Chứa Chan cao hơn 800 m so với mực nước biển, là điểm du lịch có cảnh sắc khá đẹp, trên đỉnh núi có nhiều đền thờ, miếu mạo.
Một số hình ảnh phu thồ hàng tại núi Chứa Chan do phóng viên ghi lại:
Mỗi ngày, phu hàng vác được vài chuyến từ chân lên đỉnh núi
Họ đi từ chân núi còn có nhiều quán xá lên đến nhiều khu vực quanh co trên đỉnh núi vắng vẻ với cây xanh và mây trời
Vượt hàng ngàn bậc đá
Đường dốc lên xuống khúc khuỷu
Họ đi theo tốp để có bạn đồng hành nghỉ ngơi trò chuyện vơi mệt nhọc
Những người đàn ông khỏe mạnh vác nhiều hơn, thu nhập đỡ hơn
Có những người lớn tuổi cũng vác
Đủ loại hàng hóa với nhiều mức độ nặng nhẹ được thồ lên đỉnh núi cao
Con đường từ chân núi lên đỉnh núi dài quanh co khiến họ mải miết đi nhiều giờ mới đến đích, cứ lên rồi lại xuống
Bình luận (0)