Mường Lát, vùng biên viễn xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa gắn liền với các địa danh nổi tiếng như bản Sài Khao, núi Pha Luông, suối Cát Trắng... Miền đất này từng là niềm cảm hứng bất tận để nhà thơ Quang Dũng sáng tác nên bài thơ Tây Tiến bi tráng, kiêu hùng. Ở vùng đất này, có nhiều điều kỳ bí mà đến nay con người vẫn chưa thể khám phá hết được, trong đó có câu chuyện xoay quanh 3 hòn đá "cõng" nhau bên con sông Mã huyền thoại.
Clip 3 tảng đá "cõng" nhau trên thượng nguồn sông Mã huyện Mường Lát (Thanh Hóa)
Không biết đá "cõng" nhau từ bao giờ
3 hòn đá này nằm trên địa bàn xã Tam Chung và cách trung tâm huyện lỵ Mường Lát khoảng 7 km. Chạy xe khoảng 30 phút, chung ta có thể nhìn thấy rất rõ 3 hòn đá xếp chồng nhau khi đứng trên Quốc lộ 15C. Chúng đứng 1 mình trơ trọi không biết từ bao giờ, ngay cả người dân bản địa, khi hỏi về hòn đá họ chỉ nói 1 câu ngắn gọn: "Từ lúc sinh ra tôi đã thấy rồi".
Đáng nói, kể từ khi chảy qua đất Lào rồi trở về đất Việt ở cửa khẩu Tén Tằn, sông Mã chỉ chạy dọc đồi núi thấp và có rất ít núi đá. Tuy nhiên, khi tới địa phận xã Tam Chung (nơi có 3 hòn đá chồng nha) lại xuất hiện rất nhiều tảng đá lớn trên núi, ven sông Mã cũng có nhiều vách đá, thác ghềnh. Nhưng chỉ duy nhất có 3 hòn đá "cõng" nhau đứng cao nhất, một mình trơ trọi xung quanh là núi rừng xanh thắm, chủ yếu là nứa, luồng...
3 hòn đá "cõng" nhau trên thượng nguồn sông Mã
Ông Hà Văn Sâm, một cán bộ bảo vệ rừng nhiều năm ở huyện Mường Lát cho biết, bao nhiêu năm tuần rừng ở khu vực này, anh đã nhiều lần đến gần được những tảng đá này, nhưng anh cũng không thể lý giải được vì sao, cả một vùng rộng lớn lại có tảng đá này mà chúng lại chồng lên nhau rất khéo léo, giống như có một đó kỳ công sắp đặt.
Thời điểm chúng tôi mục sở thị 3 hòn đá "cõng" nhau này, không có cách nào để sang bờ bên kia vì không có thuyền ngang qua, trong khi đường rừng phải mất nhiều giờ đồng hồ, bởi bên bờ sông không có bản làng nào ở gần đó cả.
Đứng bên bờ sông quan sát, những hòn đá chồng nhau nhìn như 1 tòa nhà 3 tầng. Phía dưới 3 hòn đá là một khối đá chạy dài cắm xuống sông Mã, kế tiếp là một hòn đá to, ở giữa là 1 hòn đá nhỏ "cõng" một hòn đá lớn hơn ở trên cùng. Những hòn đá này đã rêu phong và bị không biết bao nhiêu trận mưa lũ sông Mã xô vào bào mòn, nhưng kỳ lạ dù nước sông có hung dữ đến đâu thì chúng vẫn "trơ gan" với thời gian.
Chúng thuộc địa bàn xã Tam Chung, cách huyện lỵ Mường Lát khoảng 7 km
Câu chuyện kỳ lạ xoay quanh tảng đá
Việc trên một khúc sông xuất hiện 3 hòn đá "cõng" nhau kỳ bí, chưa ai có thể lý giải được, thì quanh nó cũng có những câu chuyện kỳ bí không kém.
Theo lưu truyền, từ xa xưa tại xã Mường Lý có bản Nàng trù phú, cây cỏ tốt tươi, nguồn nước ngọt lành. Nàng trong tiếng Thái nghĩa là người con gái xinh đẹp kiêu sa. Dân trong vùng gọi như thế vì tin rằng, nhờ được tắm trong nước suối ngọt lành mà các cô gái ở đây đều rất xinh đẹp, da trắng như mây, tóc dài như dòng suối, tiếng hát hay như chim hót. Trai tráng khắp nơi biết tiếng đã kéo đến bản Nàng tìm vợ.
3 tảng đá chồng nhau đứng sừng sững giữa núi rừng
Nhiều cô gái xinh đẹp giỏi giang đều được các chàng trai nơi khác cưới về làm vợ, có nhà sàn lớn, lắm kẻ hầu người hạ, thóc gạo đầy bồ, trâu ngựa đầy gầm sàn. Con trai bản Nàng tức lắm, để giữ những người con gái đẹp ở lại, đám con trai bản Nàng bèn tìm đến thầy cúng. Và kể từ ngày đó, những cô gái xinh đẹp bản Nàng bỗng có một khối u to như quả trứng gà, trứng ngỗng xuất hiện ở cổ, trai làng khác tới thấy vậy thất vọng trở về.
Trò mánh khóe của thanh niên bản Nàng sau này đã được trai xứ khác phát hiện, và một câu chuyện không rõ từ đâu được người dân truyền tai rằng bệnh bướu cổ có căn nguyên từ một khối đá lớn trên dòng suối Nàng, nơi những người con gái bản Nàng thường ra tắm. Đó chính là tảng đá có 3 hòn "cõng" nhau như ngày nay.
3 hòn đá "cõng" nhau có từ bao giờ cũng chẳng ai biết, chỉ biết nó được gắn với một câu chuyện huyền bí không có thật khiến nhiều người lo sợ không dám tới gần
Ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, ngày trước ở Mường Lát, khu vực có nhiều người mắc bệnh bướu cổ nhất tập trung ở bản Cân, Tân Hương, Co Cài, Cha Lan, Poọng, Nàng (xã Mường Lý)... và nó khá trùng hợp khi những bản này ở rất gần những hòn đá chồng nhau.
Theo ông Thông, trước đây bệnh bướu cổ bùng phát nhiều do khu vực này điều kiện sống khắc nghiệt, đường sá khó khăn, bà con chưa được tiếp cận với các tiến bộ của ngành y tế, dẫn đến việc phòng và chữa bệnh chưa tốt, chứ không phải do lời nguyền như câu chuyện người xưa thường kể.
Phía trên đồi xa, cách 3 hòn đá "cõng" nhau vài trăm mét cũng xuất hiện nhiều tảng đá lớn kỳ lạ ngay sát một con suối nhỏ
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Mường Lát, bệnh bướu cổ ở Mường Lát cơ bản đã được khống chế, hiện nay trên địa bàn còn rất ít (khoảng trên dưới 20 người) mắc căn bệnh này. Nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành y tế, người dân ở miền núi Mường Lát đã chú trọng dùng muốn i-ốt cho bữa ăn hàng ngày nên tỉ lệ bệnh bướu cổ cũng không còn xuất hiện với những người trẻ tuổi.
Dù câu chuyện lưu truyền có liên quan tới 3 hòn đá "cõng" nhau có màu sắc thế nào thì địa danh sông Mã, Tây Tiến, sự kỳ bí của 3 tảng đá này cũng tạo nên sự hấp dẫn, mời gọi những người ưa khám phá đến với vùng đất, con người nơi đây.
Bình luận (0)