Tỉnh Thanh Hóa hiện có 7 dân tộc, trong đó người Mông thường sống ở các huyện miền núi cao như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Đây là dân tộc còn nhiều tập tục văn hóa lâu đời. Ngoài những tập tục lạc hậu, người Mông vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo. Đó là tập tục ăn Tết con gà.
Clip làm lễ cúng Tết con gà của đồng bào Mông huyện Mường Lát
Bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nằm ẩn khuất bên sườn núi, cách Quốc lộ 15C khoảng 2 km. Bản có 100% đồng bào Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về không khí đón Tết của đồng bào Mông nơi đây vẫn tưng bừng và ấm cúng.
Với người Mông ở bản Pù Ngùa và hầu khắp các bản làng khác trên địa bàn Thanh Hóa, tục ăn Tết con gà vẫn được họ gìn giữ truyền lại cho con cháu suốt bao đời này.
Ông Thao Văn Tho, một thầy cúng ở bản Pù Ngùa cho biết, Tết con gà của đồng bào Mông sẽ được diễn ra bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch). Để cái Tết được diễn ra ấm cúng, chu đáo, trước Tết một tuần, họ bắt đầu nghỉ ngơi, các dụng cụ như cày, cuốc, xẻng… sẽ được rửa sạch rồi mang vào để cạnh bàn thờ tổ tiên trong nhà.
Nghi lễ đầu tiên là cúng gà sống
Thầy cúng đang đọc bài cúng, kêu gọi thần linh về chứng giám
"Theo quan niệm, các dụng cụ cũng giống như con người, phải được nghỉ ngơi và ăn Tết, vì thế các vật dụng này sẽ được rửa sách sẽ để cúng, làm vía"- ông Tho chia sẻ.
Kể về nghi lễ ăn Tết con gà, ông Thao Chứ Pó, Trưởng bản Pù Ngùa, cho biết trước khi cúng sẽ chọn 4 con gà để cúng hồn vía, cúng tổ tiên và cúng thần bếp. Mỗi nghi lễ cúng sẽ có cách bày biện đồ lễ khác nhau. Đầu tiên là cúng làm vía, gia chủ sẽ chọn 1 đôi gà gồm 1 gà trống và 1 mái còn sống, 1 ép đựng gạo (đan bằng tre, nứa), và những quả trứng gà (tương ứng các thành viên trong gia đình).
Đồ lễ sau khi chuẩn bị xong sẽ được để ngay cửa chính của ngôi nhà, 1 bát gạo dùng để bỏ trứng và cắm 3 nén hương, 2 nén hương cắm hai bên của chính, 2 con gà được 2 người cầm và đứng bên cạnh thầy cúng. Thầy cúng vừa gõ chiêng vừa gọi vía rồi cầm nén hương chỉ vào đầu con gà đọc lời khấn.
Gà sau khi được làm thịt, luộc chín sẽ tiếp tục được mang ra cúng trước cửa nhà
Thực hiện các bài cúng
Sau khi cúng gà sống xong, gà được mang đi cắt tiết, mổ làm sạch và luộc nguyên con. Gà chín sẽ được đặt lên mâm và thêm một mâm cơm, bát nước luộc gà, 2 chén rượu cùng các đồ lễ trước đó, thầy cúng tiếp tục gõ chiêng và đọc lời khấn mời hồn vía về ăn. Cả 2 nghi thức trên đều được thực hiện trước cửa nhà.
Bước tiếp theo, thầy cúng sẽ chọn 1 con gà trống còn sống lông mượt, đẹp để cúng tổ tiên. Thầy cúng sẽ thay ống cắm hương, giấy bản (là loại giấy tự làm của đồng bào, giấy được cắt bằng khổ giấy A4 và đục hoa văn) treo trên vách của gian giữa nhà.
Gà được đưa đặt trước bàn thờ khu vực treo giấy bản để làm lễ
Lúc này, thầy cúng thông báo đến các vị thần tài - lộc và tổ tiên rằng năm cũ qua đi, năm mới đến gia chủ có con gà cúng mời các vị về chứng giám và phù hộ cho gia chủ làm ăn phát đạt, không bệnh tật. Sau đó, gà được cắt tiết và nhỏ 3 nắm lông chấm tiết dán lên tờ giấy theo hình mắt - mũi của con người rồi đốt 3 nén hương.
Gà sau khi cắt tiết được mổ và luộc nguyên con, sau khi gà chín được đặt lên mâm gồm: con gà, 1 chén rượu, ép cơm, 1 bát nước luộc gà, 1 cái thìa, đôi đũa. Mâm được đặt phía dưới bàn thờ ở gian giữa nhà. Thầy cúng vừa khấn mời các vị thần, tổ tiên về ăn, cầm chén rượu đổ vào thìa cơm.
Bàn thờ của đồng bào Mông
Cuối cùng là cúng thần bếp, 1 con gà trống đẹp được thầy cúng mang đến bên bếp và khấn. Thầy cúng sẽ khấn xin thần bếp phù hộ gia chủ làm ra của cải đầy nhà để luôn có cái nấu, bếp luôn sáng giữ ấm cho ngôi nhà…
"Nghi lễ cúng được thực hiện xong, chủ nhà sẽ cắt giấy bản thành từng tờ để dán lên cột nhà và dụng cụ lao động như: dao, cuốc, xẻng… rồi đặt ngay ngắn vào sát vách ở gian giữa nhà. Quan niệm của người Mông là năm mới thay diện mạo mới cho ngôi nhà, gia chủ nghỉ ngơi đi chơi Tết, 3 ngày sau mới được xé và sử dụng các dụng cụ lao động"- ông Pó chia sẻ.
Xem chân gà trước khi mang đi chặt để gia đình quây quần ăn cơm
Cũng theo ông Thao Chứ Pó, ngày Tết cổ truyền ngoài cúng gà thì gia chủ có thể cúng heo cũng được. Tùy từng gia đình, nhà nào khá giả có thể cúng heo.
Sau khi hoàn tất các nghi lễ thờ cúng, gà sẽ được những người già làng, trưởng bản xem chân rồi mới mang đi chặt để toàn bộ thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm đón mừng năm mới. "Ý nghĩa của Tết con gà là làm vía cho toàn bộ thành viên gia đình năm mới sức khỏe, bình an, cầu cho công việc thuận lợi, phát đạt, chăn nuôi trâu, bò cho nó phát triển"- trưởng bản Pù Ngùa chia sẻ thêm.
Bình luận (0)