Liên quan đến vụ lùm xùm đối với YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip "Xin vía búp bê học giỏi", thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ) đã chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động một số vấn đề liên quan.
Phóng viên: Việc YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip "Xin vía búp bê học giỏi" đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội và phụ huynh kêu gọi hủy kênh, tẩy chay; thượng tọa nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Điều đáng mừng là sau hai clip có ảnh hưởng đến các cháu thiếu nhi thì Thơ Nguyễn đã đăng một clip có chiều hướng tích cực với kết luận không thể dựa vào Kumathong mà phải nổ lực bản thân mình, tôi nghĩ tác giả đã nhận ra cái sai của mình và có sự điều chỉnh.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa clip thứ hai và thứ ba có khoảng thời gian nhất định, từ đó ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực gieo vào trong trí não của hàng triệu người xem clip của Thơ Nguyễn, nhất là các cháu thiếu nhi vốn quý mến YouTuber này thì khó mà tháo gỡ trong thời gian một ngày một đêm đối với sai lầm đó.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nói về vấn đề liên quan đến YouTuber Thơ Nguyễn
Phóng viên: Ngày nay nhiều bậc cha mẹ muốn con ăn uống, muốn con học hành đã chiều con bằng cách cho sử dụng điện thoại, lên mạng xem thông tin, trong đó có nội dung sai lệch. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thượng tọa nhìn nhận vấn đề này từ góc độ Phật giáo ra sao?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Về bản chất giáo dục, tuổi mầm non và thiếu nhi là quan trọng nhất; người ta ví các cháu như là cái cây còn cha mẹ là nghệ nhân bon sai. Cha mẹ định hướng sự hiểu biết, lối sống thì cần uốn nắn, dành thời gian cho con cái.
Khi xác định tuổi thiếu nhi là quan trọng thì việc cung cấp nội dung sai lệch trên mạng xã hội, YouTube thì để lại hậu quả vô cùng quan trọng. Rất may là ở Việt Nam có Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và nhiều luật khác thì có điều khoản quy định nghiêm cấm việc truyền bá mê tín dị đoan.
Nếu các cháu tin vào Kumathong, nếu tin Kumanthong sẽ độ cho học giỏi, có thành tích cao, có kết quả mong đợi thì rất nguy hiểm. Tôi rất mong các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian cho con của mình, không nên để các cháu chơi điện thoại thông minh, Ipad, laptop vì độ tuổi các cháu chưa cần thiết phải nghiên cứu nhiều.
Phụ huynh trao cho con các thiết bị này vô tình giết chết tương lai của các cháu vì bắt chước một điều xấu rất dễ nhưng sửa đổi một thói xấu có khi mất cả một kiếp người. Cho nên chúng ta không thể thờ ơ vì hậu quả con em chúng ta phải hứng chịu trong tương lai.
Phóng viên: Nhiều người tin Kumathong sẽ mang lại bình an, tài lộc; vậy thực hư chuyện này có đúng không thưa thượng tọa?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Chúng ta cần xóa bỏ nhận thức sai lệch là Kumathong xuất phát từ Phật giáo ở Thái Lan vì Kumathong xuất phát từ niềm tin mê tín trong dân gian Thái Lan chứ không phải là Phật giáo. Có thể có nhà sư nào đó làm không đúng lời Phật dạy nên tin và xúi giục người ta tin vào Kumathong.
Phật giáo nổi tiếng là tôn giáo của trí tuệ, giúp con người giác ngộ và xóa bỏ mê tín dị đoan. Rất nhiều người Việt Nam tin vào Kumathong một cách mù quáng, dễ dàng tiếp thu. Có thể khẳng định rằng niềm tin vào Kumathong mang lại bình an, hạnh phúc là hoàn toàn không đúng.
Khi người ta mô phỏng những thứ không đúng sự thật vào trong sản phẩm thì mục đích chính là để mua bán. Những người tham gia vào công nghệ mê tín dị đoan này sẽ hưởng được lợi ích về kinh tế. Trên các trang web bán hàng ở Mỹ và Châu Âu thì sản phẩm Kumathong có giá từ 30 USD đến 100 USD với hình thù đa dạng.
Chúng ta đừng nên quá tin vào bất cứ thông tin nào truyền bá trên mạng xã hội vì hiện nay lượng view được quy đổi ra tiền. Do đó động cơ, cạm bẫy, sự tham lam, khinh thường luật pháp ở một số con người không biết quý trọng hạnh phúc bản thân, sẵn lòng làm việc gian dối để câu view gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với đời sống tinh thần của cộng đồng mạng.
Lời khuyên của thượng tọa Thích Nhật Từ đối với cộng đồng YouTuber Việt Nam
Phóng viên: Ngày nay, lượt xem trên YouTuber được quy ra tiền, vì vậy nhiều người đã bất chấp đăng nội dung sai lệch, thượng tọa có lời khuyên nào đối với cộng đồng YouTuber Việt Nam?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Bên cạnh các nghị định nghiêm cấm nội dung mê tín dị đoan thì Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cần bổ sung những điều khoản về truyền bá mê tín trên không gian mạng góp phần làm ổn định trật tự an ninh trên mạng còn không sẽ có nhiều người bất chấp tạo ra thông tin ảo, sai lệch gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với các YouTuber thì việc thông tin mê tín, không có quy luật chân lý sẽ gieo vào lòng con người sợ hãi khiến người ta tin là thật; điều này sẽ làm cho tuổi thọ của niềm tin mê tín sống rất dai. Những nội dung về mê tín sẽ kích thích lượng view nhiều và nhiều người đã bất chấp để kiếm tiền.
Đồng tiền mà chúng ta hưởng lại từ nội dung sai lệch có xứng đáng hay không và phải suy nghĩ rằng hậu quả mang lại có thể xảy ra đối với mình và người thân, con cái mình thì sẽ như thế nào?
Các YouTuber có thể qua mặt luật pháp nhưng không ai có thể qua mặt được luật nhân quả. Những gì chúng ta làm ngày hôm nay thì đến một lúc nào đó sẽ nhận được hậu quả tương xứng, nếu không trả ở kiếp này thì kiếp sau cũng sẽ trả quả tương xứng với hành vi của mình đã gây ra nên cần phải suy ngẫm trước khi hành động.
Bình luận (0)