Gia đình ông Nguyễn Văn Tư (SN 1968; ngụ xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được xem là một trong những hộ trồng nhiều bưởi đỏ tiến vua nhất vùng đất này. Hiện gia đình ông có trên 3 ha trồng giống bưởi đặc sản đã cho thu hoạch, năm nay gia đình ông có trên 6.000 trái bưởi xuất bán ra thị trường Tết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tư thu về hơn nửa tỉ đồng mỗi năm từ trồng bưởi đặc sản
Với giá một trái bưởi tại vườn 90.000 - 100.000 đồng/trái (bán đồng giá), gia đình ông có thể thu về trên 550 triệu đồng (hơn nửa tỉ đồng), trừ hết chi phí đầu tư, gia đình ông Tư có thể thu về khoảng gần 500 triệu đồng. Vụ bưởi Tết năm 2022, gia đình ông Tư cũng thu về khoảng 500 triệu đồng từ giống bưởi đặc sản này.
Ông Nguyễn Văn Tư bên vườn bưởi mang lại cho gia đình thu nhập hơn nửa tỉ đồng
Ông Tư cho biết gia đình ông tham gia trồng bưởi từ năm 2005 theo đề án khôi phục giống bưởi Luận Văn, là dòng bưởi đỏ nức tiếng của làng Luận Văn (xã Thọ Xương) dùng để tiến vua thời phong kiến.
"Loại trái cây đặc sản của vùng đất này với đặc điểm khi chín bưởi có màu đỏ từ vỏ cho tới múi, vì thế từ xa xưa bưởi rất được ưa chuộng để bày ngũ quả trong những ngày Tết thờ cúng tổ tiên mong một năm mới có nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió" - ông Tư nói.
Giống bưởi này chỉ trồng khoảng 3 năm là cho ra trái, nếu chăm tốt mỗi gốc bưởi có từ 60-100 trái
Cũng theo ông Tư, giống bưởi này lúc mới ra trái, trái bưởi có màu xanh giống các loại bưởi thông thường, bắt đầu tới tháng 10 - 11 Âm lịch, bưởi bắt đầu thay đổi màu sắc và chuyển dần sang màu đỏ. Toàn bộ quả bưởi khi chi đều có màu đỏ từ vỏ ngoài trái bưởi cho tới những múi bưởi, tép bưởi bên trong.
Nhờ giống bưởi đặc sản này mà gia đình ông Tư cũng như nhiều hộ khác trong xã Thọ Xương đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định
"Giống bưởi này mọng nước, ăn có vị chua nhưng không he. So với các giống bưởi Diễn, Năm Roi… thì bưởi Luận Văn không ngon bằng. Tuy nhiên, giống bưởi này vẫn đắt khách vào những ngày Tết là do quan niệm màu sắc của nó mang lại sự may mắn, thịnh vượng, người dân thường mua để trưng Tết, dâng lên tổ tiên" - ông Tư chia sẻ.
Từ một giống bưởi có nguy cơ mai một, nhờ một số gốc cây cổ còn sót lại và nhờ sự vào cuộc kịp thời của huyện Thọ Xuân và ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa mà giống bưởi tiến vua này hiện đã được trồng rất nhiều tại xã Thọ Xương và một số xã trong huyện Thọ Xuân, không chỉ giúp lưu giữ được giống bưởi quý mà còn giúp nhiều nông dân trồng bưởi vươn lên thoát nghèo, trở nên giàu có.
Ông Nguyễn Văn Tư với những trái bưởi đặc sản tiến vua
Vụ Tết Quý Mão 2023, gia đình ông Tư có khoảng 6.000 trái bưởi đưa ra thị trường với giá bán tại vườn 90.000 - 100.000 đồng/trái, gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng
Ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xương, cho biết năm 2005, giống bưởi Luận Văn được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, thời điểm đầu việc khôi phục cũng gặp nhiều khó khăn, chính quyền phải vận động người dân tham gia dự án bảo tồn, đồng thời hỗ trợ về cây giống, phân bón, chuyển giao khoa học, kỹ thuật.
Giống bưởi này khi chín thường có màu đỏ từ vỏ cho tới ruột nên rất được người dân ưa chuộng bày mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên
Theo báo cáo của UBND xã Thọ Xương, đến thời điểm này, toàn xã có trên 35 ha bưởi Luận Văn, trong đó có một số vườn được trồng tập trung, còn lại được trồng manh mún trong dân. Bưởi Luận Văn hiện có một sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, đó là vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Hải Đăng (thôn 7, xã Thọ Xương).
Bình luận (0)