Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng báo cáo thời gian qua, một nhóm doanh nghiệp (DN) đã gửi 37 văn bản kiến nghị đến Bộ KH-ĐT. Nội dung văn bản trùng lặp, một số văn bản mang tính chất tiêu cực, phản cảm, quy kết tội tham nhũng, lợi ích nhóm và yêu cầu lãnh đạo bộ này từ chức.
Chịu không xiết
Những DN trên được xác định gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Gia Bảo (Công ty Gia Bảo), Công ty CP Chống ùn tắc giao thông quốc tế, Công ty CP Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách.
Trong đơn kiến nghị của mình, Công ty Gia Bảo đề nghị sửa Nghị định 15 về hợp tác công tư PPP trong 30 ngày và có quy định yêu cầu nhà đầu tư cam kết giữ tối đa 9% lợi nhuận đối với dự án BT (xây dựng - chuyển giao). DN này còn đề xuất được thay thế Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) để làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; tham gia dự án sân bay quốc tế Long Thành...
Về phía Công ty CP Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách, kiến nghị tăng lương cho các bộ trưởng và ủy viên trung ương vì cho rằng mức lương hiện tại của các chức vụ này không đủ để nuôi 2 con ăn học...
Công ty CP Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách chỉ thuê đặt tấm biển tên công ty tại tòa nhà D2 phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội Ảnh: PHƯƠNG NHUNG
Sau khi nhận thấy hàng chục văn bản của 3 DN và sau đó là văn bản của công dân gửi đến Bộ KH-ĐT đều có cách hành văn giống nhau, Bộ KH-ĐT tập hợp thông tin liên quan và tra cứu dữ liệu trên hệ thống đăng ký kinh doanh nên khẳng định cả 3 DN trên là 1 vì có chung địa chỉ tại tòa nhà D2, phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội). Bộ KH-ĐT cho biết đã tổ chức họp với đại diện Công ty Gia Bảo và 4 lần trả lời kiến nghị các DN và công dân bằng văn bản. Tuy nhiên sau đó, các DN nói trên vẫn tiếp tục "khủng bố" văn bản kiến nghị đến Bộ KH-ĐT.
Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép không xử lý các văn bản có nội dung trùng lặp mà bộ đã trả lời nếu các DN trên tiếp tục gửi đến. Đặc biệt, Bộ KH-ĐT đề nghị thủ tướng "Giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên trách xem xét có biện pháp cụ thể để xử lý, ngăn chặn hành vi của các DN trên theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết triệt để tình trạng này".
Không chỉ có Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải… cũng đều nhận được đơn thư tương tự. Lãnh đạo Văn phòng Bộ Tài chính cho biết sau khi tiếp nhận đơn thư, bộ này đã giao các đơn vị chức năng xem xét, trả lời DN bằng văn bản. Đối với các nội dung trùng lặp thì chỉ trả lời một lần.
Còn Bộ Bộ Giao thông Vận tải đã giao các đơn vị chức năng gửi văn bản mời đại diện DN đến làm việc và trả lời kiến nghị. Trong buổi làm việc, 2 bên thống nhất giải quyết mọi khiếu nại, nếu DN không có ý kiến gì về nội dung đó, bộ sẽ không trả lời nếu còn tiếp tục khiếu nại.
"Bộ KH-ĐT không thích thì thôi"!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc Bộ KH-ĐT cho rằng có một nhóm DN quấy nhiễu, vu khống…, ông Trần Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Gia Bảo, cho biết đang nghiên cứu để có văn bản báo cáo Thủ tướng cũng như gửi Bộ KH-ĐT để phản hồi về việc này. "Chúng tôi có công văn gửi bộ với đề nghị nhẹ nhàng, đúng mực, có thể xem xét hoặc không xem xét, tại sao nói chúng tôi vu khống, quấy nhiễu như thế được" - ông Thắng phản hồi.
Theo ông Thắng, có thể Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) báo cáo lên chưa đúng nên có sự hiểu lầm và một số báo chưa tìm hiểu kỹ đã đăng chưa đúng. "Tôi không trách, tôi báo cáo Thủ tướng là được rồi. Tôi chỉ vì đất nước, muốn làm đường nhanh, giảm ùn tắc, giảm thiệt hại về ngân sách của nhà nước thôi. Giờ bộ không thích thì thôi vậy. Tôi sẽ không gửi kiến nghị nữa. Tôi đóng góp mà không được hoan nghênh, không được trả lời thì thôi" - ông Thắng nói. Ông Thắng cũng khẳng định công ty của ông không liên quan gì đến các công ty khác kiến nghị đến Bộ KH-ĐT. Trong khi đó, tại tòa nhà D2, phường Giảng Võ, Công ty CP Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách chỉ thuê đặt một tấm biển tên công ty tại quầy tiếp tân.
Ông Hà Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gia Bảo, cho rằng không đề xuất bổ sung lương liêm chính cho ủy viên trung ương như một số cơ quan truyền thông nêu, mà chỉ đề xuất đến những vấn đề liên quan công tác mở đường, làm đường, những vấn đề liên quan dân sinh… Đại diện DN này cũng khẳng định các công văn DN này gửi đi không có nội dung nào quy kết tội tham nhũng, lại quả 10%, lợi ích nhóm cho lãnh đạo Bộ KH-ĐT và yêu cầu các lãnh đạo từ chức… như nhiều thông tin được đăng tải trên báo chí.
Ngay sau khi Bộ KH-ĐT gửi báo cáo lên Thủ tướng, Công ty Gia Bảo cũng đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng và bày tỏ sự không đồng tình.
Chưa rõ căn cứ pháp lý
Về cách xử lý của Bộ HK-ĐT, luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Sự Thật - Đoàn Luật sư Hà Nội, nêu quan điểm: Nếu những phản ánh trên là đúng sự thật thì việc báo cáo, đề xuất như trên của Bộ KH-ĐT là có cơ sở và cần thiết.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), lại cho rằng DN có quyền khiếu nại, tố cáo, còn Bộ KH-ĐT phải trả lời dứt điểm, rõ ràng, minh bạch, chính xác, đúng vị thế và trách nhiệm của một bộ quản lý nhà nước. Trong trường hợp DN tố cáo có hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm thì cần xác định rõ, thậm chí phải điều tra xác minh nội dung tố cáo đúng hay sai để làm sáng tỏ. DN gửi đơn lên chưa có làm rõ nhưng đã kết luận là nói xấu, vu khống là chưa thỏa đáng. Không nên dùng biện pháp hành chính để ngăn chặn DN gửi đơn thư kiến nghị, tố cáo.
Bình luận (0)