Theo dự thảo luật, việc thực hiện Luật Đấu giá tài sản đạt được nhiều kết quả, nhưng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi. Đó là chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được nâng cao nhưng vẫn còn một số hạn chế. Vẫn còn xảy ra một số trường hợp tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản. Còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính, hình sự.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình
Cơ quan soạn thảo cho rằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đó, dự thảo luật tập trung vào 3 nhóm chính sách gồm đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá và xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá tài sản.
Cùng với đó là các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù. Bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án.
Bổ sung điều mới quy định nguyên tắc điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới.
Để tăng trách nhiệm cơ quan, tổ chức trong hoạt động này, dự thảo luật quy định thêm các quyền, nghĩa vụ cụ thể của người có tài sản đấu giá.
Về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị nên quy định theo hướng không liệt kê tài sản đấu giá như dự thảo luật vì khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai.
Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Đối với quy định về nộp tiền đặt cọc, Ủy ban Kinh tế cho rằng Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, gồm: Có cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.
Như vậy, quy định không có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đặt cọc. Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ nội hàm của biện pháp đặt cọc để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng việc nâng tỉ lệ tiền đặt cọc tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất (tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định tỉ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi.
Ngoài ra, một số quy định chưa thống nhất với luật hiện hành nên dẫn đến tình trạng có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau và với tổ chức đấu giá để chỉ có một hoặc vài người đặt tiền trước.
Người trúng đấu giá được mua tài sản với giá thấp do không có người khác tham gia đấu giá, dẫn tới làm thất thoát tài sản của nhà nước thu được qua đấu giá.
Trong khi đó, việc sửa đổi quy định tại dự thảo chưa khắc phục được bất cập trên, nên cần nghiên cứu thêm quy định để khắc phục. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc về thời hạn chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản là 3 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường.
Nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá. Trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Bình luận (0)