xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cô gái "Startup” nghề truyền thống

(NLĐO)-Cô gái Huế đã quyết định từ bỏ sự nghiệp ở ngân hàng với mức thu nhập khá ổn định để theo đuổi niềm đam mê làm hoa giấy. Cô là người Startup nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên để đưa ra thế giới.

Tiệm hoa giấy Maypaperflower trên đường Hùng Vương (TP Huế) vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão khách vào ra tấp nập. Họ tới đây để chọn cho căn nhà của mình những sản phẩm trang trí Tết. Cô chủ trẻ Phan Ngọc Hiếu (SN 1989) khuôn mặt trắng trẻo, nụ cười đon đả chào khách.

Khởi nghiệp vì đam mê

Hơn 8 năm trở về trước, khi Hiếu và chị gái có dịp về thăm làng Thanh Tiên, TP Huế (Thừa Thiên – Huế) - ngôi làng có nghề làm hoa giấy nổi tiếng hơn 300 năm, đã khiến cô ngẩn ngơ trước những cánh hoa giấy đầy màu sắc, được bàn tay người trong làng tỉ mẩn làm ra.

Đây là loại hoa thường được người dân Huế sử dụng vào mỗi dịp lễ, tết. Khi được biết nhu cầu sử dụng hoa giấy của người dân ngày càng giảm kéo thu nhập của người làm hoa bấp bênh, thiếu ổn định khiến Thanh Tiên không đủ sức giữ chân người trẻ trong làng, Hiếu trăn trở tìm cách để phát triển và nâng tầm cho hoa giấy. Ý tưởng đó cứ nung nấu và lớn dần trong cô.

Cô gái Startup” nghề truyền thống - Ảnh 1.

Phan Ngọc Hiếu gặp các nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên

"Hoa giấy Thanh Tiên đang đáp ứng cho nhóm khách hàng sử dụng phần nhiều để hỗ trợ cho các hoạt động tín ngưỡng và tâm linh trong các dịp lễ, tết tại Huế nên tiềm năng sản phẩm phục vụ cho nhu cầu khác như trang trí nhà cửa, nơi làm việc, quà tặng vẫn còn đang bỏ ngõ. Đó có thể là một cơ hội tốt cho khởi nghiệp của chúng tôi" – Hiếu cho biết.

Quan sát và nhận thấy tiềm năng bên trong những bông hoa giấy chưa được khai thác đúng cách, Hiếu quyết định thử nghiệm làm hoa với chất liệu giấy mỹ thuật cầu kì hơn với cách làm mô phỏng những bông hoa thật. Cô tự tìm tòi và học hỏi về lĩnh vực nghệ thuật hoa giấy và bắt đầu từ những bông hoa cắm bình.

Cô gái Startup” nghề truyền thống - Ảnh 2.

Phan Ngọc Hiếu bên những sản phẩm hoa giấy Maypaperflower.

Năm 2018, Hiếu quyết định nghỉ việc ở ngân hàng và năm sau cô vào TP HCM sinh sống. Mặc dù vẫn có suất điều chuyển công việc ngân hàng từ Huế vào TP HCM nhưng Hiếu quyết định chưa đi làm để tập trung thời gian vừa chăm con vừa nghiên cứu chuyên sâu hoa giấy.

Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Hiếu gặp vô vàn khó khăn. Dù may mắn sở hữu năng khiếu ở nhiều bộ môn nghệ thuật cũng như một cửa hàng hoa tươi thuận lợi cho việc mô phỏng, thế nhưng với cô việc tạo ra những bức tranh hoa giấy giai đoạn đầu thật chẳng dễ dàng. Sau mỗi giờ xong công việc ở ngân hàng, cô lại bày biện mọi thứ ra làm hoa giấy. Ngọc Hiếu chia sẻ, mọi công đoạn thực hiện gần như đều phải tự mày mò. Tất cả những gì cô có thể làm khi đó chỉ là quan sát thật kỹ dáng vẻ của những bông hoa khi nở rộ và thể hiện nó bằng đường nét, cắt gấp sao cho giống nhất.

Tháng 5-2019, vợ chồng cô tổ chức sinh nhật cho đứa con gái đầu lòng. Hiếu mua vật liệu về tự tay làm những bình hoa để trang trí trong ngày vui của con. Những cành hoa, bó hoa được Hiếu chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, nhiều người khen. Họ khuyên Hiếu làm nhiều hơn, động viên cô làm rồi bán ra bên ngoài xem sao.

Cô gái Startup” nghề truyền thống - Ảnh 3.

Nhân sự của Maypaperflower có những bạn trẻ cùng đam mê.

Thấy mọi người đón nhận sản phẩm của mình, Hiếu càng có động lực hơn. Hiếu nghĩ, muốn bán sản phẩm được thì cũng phải có một cái tên gì đó. Cô đặt vấn đề với chồng là lấy tên con gái làm thương hiệu cho hoa. "May", là tên của cô con gái đầu lòng. Trong tiếng Anh là tháng Năm, cột mốc hai vợ chồng đón con gái. Tên con gái, kết hợp với miêu tả về chất liệu làm nên hoa – từ đó cái tên Maypaperflower ra đời.

Maypaperflower ra đời với mục đích khai thác nét đẹp văn hóa của hoa giấy Thanh Tiên nhưng phải phù hợp với xu hướng thời đại. Nó tạo nên sự kết hợp mới mẻ giữa hoa giấy truyền thống và nghệ thuật đương đại.

Phát triển vì trách nhiệm

Trong năm 2020, Hiếu đưa con từ Sài Gòn về Huế tránh dịch cho an toàn. Tại đây cô gặp gỡ những phụ nữ khó khăn, mất việc do dịch bệnh để dạy họ cách làm hoa, thường xuyên về làng Thanh Tiên để trao đổi và kết nối người thợ làm hoa bắt đầu cung cấp hàng cho thị trường tại TP HCM.

Cô gái Startup” nghề truyền thống - Ảnh 4.

Sản phẩm hoa giấy Maypaperflower đoạt giải nhì.

Khởi nghiệp từ dịch bệnh với vô vàn khó khăn nhưng Hiếu nói rằng đó là cơ hội để cho doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất đổi mới sáng tạo mới, bền vững. Cô đã chia nhỏ các công đoạn đào tạo ngắn hạn cho thợ mang về nhà làm, đảm bảo công suất cũng như chất lượng sản phẩm thủ công. Nhờ vậy, đảm bảo tốt cách ly dịch bệnh, không bị hạn chế về diện tích nhà xưởng, mở rộng và thu hút được nhiều lao động nữ khó khăn, nội trợ, khiếm thính.

Cô gái Startup” nghề truyền thống - Ảnh 5.

Phan Ngọc Hiếu cùng với nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên

Khi những giới hạn về phong tỏa được dỡ bỏ, cô tìm về lại làng hoa giấy Thanh Tiên với mong muốn tìm những người làm hoa lâu năm ở đây để được bày thêm kinh nghiệm. Hiếu học hỏi để rồi tạo ra nhiều cải tiến trong mẫu mã các loại hoa cũng như kết hợp hoa thủ công với nghệ thuật hiện đại trong phân khúc trang trí tường, phòng ở, nơi làm việc và quà tặng. Và thế là ý tưởng "Tranh – hoa giấy" đã được tạo ra. Sản phẩm Tranh – hoa giấy vừa đủ hiện đại để kết hợp vào các sản phẩm nội thất ứng dụng trang trí trong gia đình, vừa đủ tinh tế để nổi bật lên những giá trị nghệ thuật của xứ Huế.

Các sản phẩm hoa giấy của May giờ đây được làm theo xu hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu ứng dụng vào trang trí nội thất, quà tặng. Không chỉ là hoa giấy thuần túy, Maypaperflower phát triển đa dạng các sản phẩm chính như tranh hoa giấy, hoa giấy cắm bình, hoa trang trí trên tường, vòng hoa treo cửa với những thiết kế đa dạng, đáp ứng nhu cầu cho khách hàng.

"Tuy có sự cách tân trong từng sản phẩm, nhưng nét riêng của hoa giấy xứ Huế vẫn được giữ lại, qua đó góp phần nhỏ vào việc gìn giữ và phát huy nghề làm hoa giấy thủ công. Chúng tôi luôn hướng sản phẩm của mình làm sao để gần gũi với cuộc sống thường ngày, nhằm tạo cảm xúc tích cực và vui tươi cho khách hàng" – Hiếu chia sẻ.

Cô gái Startup” nghề truyền thống - Ảnh 6.

Phan Ngọc Hiếu với những bạn trẻ

Hiếu muốn hướng đến thị trường mới và không trùng chung nhóm khách hàng với hoa giấy Thanh Tiên, cô tự tin trên lối đi mới mà cô tự mở đường nhằm tạo ra một nhánh rẽ mới trong sự phát triển của ngành nghề hoa giấy thủ công tại Huế. Cách làm để làm sao thương mại hóa sản phẩm thủ công địa phương được tốt, giới thiệu nét đẹp và hay đến bạn bè trong nước và quốc tế

Thương hiệu hoa giấy cùng với các mẫu sản phẩm cũng đã được cô đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, Maypaperflower đã có hơn 100 mẫu sản phẩm hoa giấy hoàn chỉnh được bán ra thị trường. Cô hợp tác với các sinh viên Trường ĐH nghệ thuật Huế để cùng vẽ tranh nền, thiết kế cho các dòng hoa.

Cô gái Startup” nghề truyền thống - Ảnh 7.

Sản phẩm Maypaperflower.

Năm 2020, thương hiệu hoa giấy của Hiếu đã đạt giải A trong cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Cột mốc này rất có ý nghĩa khích lệ với sự phát triển của Maypaperflower sau rất nhiều những nỗ lực để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay. Ngoài ra, sản phẩm của May cũng đã được chọn để làm biểu trưng trong chương trình trao giải Giải thưởng Quan hệ công chúng và Truyền thông xuất sắc năm 2021. Năm 2022, Maypaperflower là 1 trong 29 doanh nghiệp tạo tác động xã hội được Chương trình Phát triển (UNDP) thuộc Liên Hợp Quốc hỗ trợ.

Bây giờ, những cánh hoa giấy được kế thừa từ tinh hoa làng hoa giấy 300 năm tuổi đã được xuất khẩu sang Mỹ, Hà Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài bán những sản phẩm hoa giấy của Maypaperflower, Hiếu cùng các cộng sự còn giúp sức để đưa các mặt hàng truyền thống của hoa giấy Thanh Tiên ra với thị trường thông qua việc kết nối bán các sản phẩm hoa giấy của các nghệ nhân làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.

"Ngôi nhà của May giờ đây đã trở thành nơi kết nối những tâm hồn yêu hoa giấy. Cá nhân tôi khởi nghiệp ban đầu từ đam mê, nhưng giờ đây tôi lại khởi nghiệp trên tinh thần vì trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với những sản phẩm mình làm ra cũng như trách nhiệm để đưa những sản phẩm thủ công Huế đi xa đến những vùng miền trong nước cũng như ở hải ngoại" – Hiếu chia sẻ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo