Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan đã nói: "Covid-19 có thể sẽ là một phần không thể thiếu của thế giới". Câu nói mang tính biểu tượng, cho thấy việc sống chung an toàn với Covid-19 là lựa chọn không thể khác. Nhiều nước đã xem xét và triển khai các giải pháp mở cửa lại hoạt động kinh tế và dân sinh, nhất là các quốc gia phát triển có lợi thế về độ phủ vắc-xin và có các gói hỗ trợ đủ mạnh. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang đi sau và có thể chúng ta sẽ mất vị trí "ngôi sao" để trở thành một quốc gia xếp hạng trung bình, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới.
Những điều trên cho thấy kế hoạch "mở cửa" an toàn và kịp thời chính là cách tốt nhất để cứu vãn nền kinh tế cả nước. Các kết quả khảo sát mới đây chỉ rõ sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp (DN) gần như đã tới hạn. DN khó có thể trụ vững được trong 6 tháng nếu như không có các biện pháp tháo gỡ để hồi phục sản xuất - kinh doanh. Do vậy, 3-6 tháng tới chính là thời gian vàng cho việc tái khởi động nền kinh tế, khôi phục các hoạt động dân sinh tại TP HCM và các tỉnh, thành khác.
Chúng ta đang có cơ hội để mở cửa khi nhiều địa phương bắt đầu kiểm soát được dịch. Đặc biệt, tại TP HCM, Sở Y tế khẳng định "đỉnh" dịch đã qua. Có điều kiện để tái khởi động nền kinh tế mà không chớp được thời cơ thì cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt.
Với tinh thần dũng cảm, quyết liệt và trách nhiệm đối với nền kinh tế, TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép áp dụng quy định riêng để "mở cửa" do nhiều quy định hiện chưa phù hợp với tình hình phòng chống dịch tại thành phố. Tôi cũng nhận thấy nhiều quy định về phòng chống dịch được Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan khác đưa ra có phần quá chặt chẽ, không thật sự phù hợp với thực tế. Trong khi đó, sự mở cửa của TP HCM và khu vực phía Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cả nước bởi khu vực phía Nam chiếm đến 40% GDP. Khu vực này còn đảm nhiệm vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, kết nối kinh tế Việt Nam với thế giới, tạo ra động lực tăng trưởng quan trọng cho quốc gia. Với ý nghĩa đặc biệt đó, sinh kế của TP HCM liên quan đến "số phận" của kinh tế cả nước.
Thời gian qua, trong việc thực hiện các chỉ thị về giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã có những cách làm, cách hiểu khác nhau, gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới các hoạt động kinh tế, dân sinh. Chính phủ đã chuyển từ mục tiêu "zero Covid-19" sang mục tiêu "sống chung với Covid-19" cũng cho thấy tư duy chung về phòng chống dịch bệnh song song với phát triển kinh tế đã có sự thay đổi phù hợp tình hình thực tế cũng như kinh nghiệm quốc tế. Để làm được, Chính phủ cần sớm ban hành quy chuẩn chung về các điều kiện, tiêu chí trong kế hoạch "sống chung với Covid-19" để tất cả các địa phương, DN, người dân tuân thủ.
Người dân, DN tại TP HCM hiểu rõ nhất những khó khăn, những nỗi đau về dịch bệnh, về sự suy giảm kinh tế… trên địa bàn trong 4 tháng qua. Bởi vậy, chính thành phố chứ không phải ai khác sẽ nhìn nhận rõ nhất những giải pháp nào cần cho họ, phù hợp với họ để tái khởi động nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần ghi nhận, xem xét những đề xuất của thành phố một cách khẩn trương, có trách nhiệm.
TP HCM với độ mở lớn, tầm ảnh hưởng mạnh đến các địa phương trên cả nước, rất cần nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phía trung ương để có thể hồi phục, duy trì vị thế đầu tàu và kéo nền kinh tế của cả nước đi lên. Sự ủng hộ ngoài những chính sách chung về tài khóa, an sinh…, nguồn kinh phí dành cho công tác chống dịch của thành phố cũng nên được xem xét bổ sung nhiều hơn nữa.
Bình luận (0)