Sáng 5-8, tại TP HCM, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương khai mạc chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Chinh phục thị trường nước ngoài
Tham dự chương trình, 300 nhà cung cấp từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam với các ngành hàng chủ lực như đồ gỗ, nông - thủy sản, thực phẩm chế biến… đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. Tại đây đồng thời diễn ra hoạt động kết nối giữa DN Việt Nam trực tiếp với các nhà phân phối lớn như Central Retail, Aeon… và các phiên tư vấn xuất khẩu, giao thương trực tuyến với các thị trường Hàn quốc, Chile, Hà Lan… Nhiều DN ĐBSCL đã ký kết được biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà mua hàng tiềm năng.
Giới thiệu về tiềm năng hợp tác xuất khẩu nông sản của địa phương, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết mỗi năm, tỉnh Đồng Tháp cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến hơn 3 triệu tấn lúa, 500.000 tấn cá tra, hơn 400.000 tấn trái cây… và nhiều loại nông sản chế biến khác. Trong những năm qua, thông qua các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, các sản phẩm nông sản của Đồng Tháp đã có mặt tại các siêu thị; 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao được quảng bá chính thức trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Trên thị trường thế giới, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (thứ hai từ trái qua) tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh
"Đồng Tháp đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp lẫn công nghiệp, lấy công nghiệp chế biến làm chủ lực. Hoạt động xúc tiến kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế tỉnh" - ông Dũng thông tin. Người đứng đầu ngành công thương tỉnh Đồng Tháp bày tỏ mong muốn có nhiều nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước (đặc biệt là nhà đầu tư đến từ các quốc gia Việt Nam có tham gia các FTA thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...) đến hợp tác thương mại và đầu tư tại tỉnh.
Nhiều rào cản cần vượt qua
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều mặt hàng nông - thủy sản của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào các thị trường truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng lên.
TS Arjen Roem, Phó Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham, cho biết Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra một kỷ nguyên mới cho thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam thông qua việc bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường cho nhau. Năm 2021, Việt Nam là đối tác lớn thứ 31 cho hàng hóa xuất khẩu của EU và là đối tác lớn thứ 11 cho hàng hóa nhập khẩu của EU. Ba nước nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam ở EU là Hà Lan (7,849 tỉ euro), Đức (7,680 tỉ euro) và Ý (3,519 tỉ euro).
"Xuất khẩu Việt Nam đến EU đã tăng 14% vào năm 2021, lên đến 46 tỉ USD. Với đà tăng trưởng này, châu Âu đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm 14% tổng doanh thu xuất khẩu của các mặt hàng nông sản chính. Những nông sản hàng đầu nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2021 là trái cây nhiệt đới, các loại hạt, gia vị tươi và khô trị giá 869 triệu euro (39%), cà phê chưa rang, trà theo số lượng lớn 868 triệu euro (39%), các sản phẩm nông sản còn lại, chiết xuất cà phê và trà, gạo, mì̀, bánh ngọt, bánh quy và bánh mì. Xuất khẩu gạo tới EU trong quý I/2022 được hơn 22.500 tấn (18 triệu USD), tăng 4 lần về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021" - TS Arjen Roem liệt kê.
Trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết, các nước châu Âu (EU) cần phải có một nguồn cung cấp ngũ cốc và nông sản thay thế. Do đó, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thay thế các mặt hàng từ Nga.
TS Arjen Roem lưu ý một trong những thách thức chính đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam tới EU là các yêu cầu nghiêm ngặt của EU. Nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ quả, gạo và thực phẩm chế biến vẫn chưa đạt đến mức số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn của các siêu thị EU.
Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, cho rằng việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ các DN Việt Nam, đặc biệt các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết. Việc này nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân, đồng thời hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các DN chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế. Các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế.
Bình luận (0)