xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: 4 "mới", 3 trụ cột

Minh Chiến

Vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030 với chủ đề "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới" sẽ được tổ chức vào ngày 21-6 tại TP Cần Thơ, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết tại buổi chia sẻ thông tin trước thềm hội nghị, ngày 18-6.

Thống nhất nhận thức

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hội nghị có sự tham dự của các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TP HCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia và nhà khoa học. "Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022. Quy hoạch vùng đã đưa ra mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế là tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỉ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20%-25% vào năm 2030. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; năm 2030, tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: 4 mới, 3 trụ cột - Ảnh 1.

Đồng bằng sông Cửu Long cần được tiếp thêm nhiều xung lực để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vai trò của vùng Ảnh: VĂN DƯƠNG

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về tư duy mới, đó là chủ động kiến tạo phát triển vùng theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Tập trung nhiều đầu việc

Quy hoạch vùng ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, phát triển hạ tầng đường thủy nội địa. Cụ thể, đến năm 2030, trong vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyến đường ven biển sẽ giúp sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển.

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển nông nghiệp trong quy hoạch vùng ĐBSCL, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH-ĐT), cho biết vùng sẽ phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỉ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỉ trọng lúa gạo. "Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp" - ông Thắng cho hay.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới sẽ phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu. Phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành 2 trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng. 

Cam kết 2,2 tỉ USD

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị sắp tới sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn khoảng 2,2 tỉ USD. Trong thời gian hội nghị cũng diễn ra hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án có ý nghĩa về phát triển vùng, liên kết vùng để thực hiện quy hoạch bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo