Ngay trước khi kỳ thi diễn ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ với báo chí: Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội. PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho rằng hơn lúc nào hết, lãnh đạo ngành giáo dục thấu hiểu cả xã hội đang hướng về ngành để chờ đợi một kỳ thi được tổ chức khách quan, công bằng và nghiêm túc.
Giảng viên, cán bộ Trường ĐH Luật lên đường làm nhiệm vụ coi thi tại Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là một màu xám trong bức tranh của toàn ngành giáo dục. Bài học cay đắng này là minh chứng cho việc buông lỏng trách nhiệm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Ông Mai Văn Trinh thừa nhận không có cách nào khác để lấy lại niềm tin bằng cách dốc lực tập trung cho kỳ thi năm nay. Phải có một kỳ thi trung thực mới xóa được những hoài nghi đang nặng trĩu trong toàn xã hội.
Bộ GD-ĐT đã đưa ra những điều chỉnh cả về phương diện quản lý cũng như các giải pháp kỹ thuật cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 với kỳ vọng sẽ lấy lại lòng tin của xã hội. Nhưng những giải pháp ấy, nếu không có sự vào cuộc nghiêm túc của các địa phương, của chính những con người trực tiếp tham gia kỳ thi, sẽ không thể đem lại niềm tin tuyệt đối. Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận rằng kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu nhưng con người tham gia vào kỳ thi mà làm không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy ra.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo thi quốc gia yêu cầu ban chỉ đạo thi các địa phương phải lựa chọn những người có trách nhiệm, ý thức kỷ luật tham gia, nhất là ở những khâu coi thi, chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi. Năm nay, vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi được nâng tầm. Nhiệm vụ của 4.000 thanh tra giám sát kỳ thi THPT đặc biệt nặng nề khi phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
8 đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trực tiếp kiểm tra tại các "điểm nóng" thi cử trên toàn quốc như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang... Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành và hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sư phạm đề nghị tiếp tục chỉ đạo sát sao, phối hợp tổ chức tốt kỳ thi năm nay. Hàng trăm ngàn cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã lên đường đến các địa phương nhận nhiệm vụ phối hợp coi thi, chấm thi. Có trường phải huy động hàng trăm cán bộ, giảng viên đi xa 400-500 km. Có những địa phương chỉ khoảng 10.000 thí sinh nhưng vì vết đen gian lận năm 2018 đã buộc phải đón cùng lúc đoàn của 6 trường ĐH từ khắp nơi về...
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng chia sẻ thêm: Ngành giáo dục tuyệt đối không chủ quan trước kỳ thi này. Trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân về một kỳ thi thực chất, an toàn đang khiến cả ngành cùng dồn sức cho kỳ thi lớn.
Ai cũng chờ mong một kỳ thi công bằng, thực chất, chờ mong một bức tranh giáo dục sáng đẹp hơn.
Bình luận (0)