xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Giải trình trước Quốc hội sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã "xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót" khi để xảy ra tình trạng gian lận thi cử ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương

Sáng 31-5, Quốc hội (QH)tiếp tục buổi làm việc cuối của phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, một số bộ trưởng đã được mời giải trình thêm các vấn đề đại biểu (ĐB) quan tâm. Tình trạng gian lận thi cử tiếp tục làm nóng nghị trường.

Xử lý nghiêm các sai phạm

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã để xảy ra tiêu cực, gian lận có tổ chức trong khâu chấm thi tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận.

"Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi và cá nhân tôi là bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tôi xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót trong kỳ thi" - ông Nhạ nói.

Phân tích rõ hơn về nguyên nhân, tư lệnh ngành giáo dục cho biết việc tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi. Quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) tại một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của bộ ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát. Về phía các địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi, còn để xảy ra sai phạm.

Vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018:  Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

"Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình; cần cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục địa phương những cán bộ, giáo viên sai phạm" - ông Phùng Xuân Nhạ giải trình.

Để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Nhạ cho biết bộ đã đề ra một số giải pháp: Tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi... để phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. "Cá nhân tôi cũng rất bức xúc, lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình" - ông nói. Dù vậy, ông Nhạ cho rằng để khắc phục tối đa tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự quan tâm của gia đình, chăm lo của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương.

Trả lại công bằng cho thí sinh

Ngay sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, cho biết trong bài phát biểu của bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa đề cập việc giải quyết quyền lợi của các học sinh đã bị vuột mất cơ hội trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vì gian lận.

"Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các trường đã gọi số thí sinh gian lận trúng tuyển, phải có giải pháp để công nhận các thí sinh học thật, thi thật nhưng bị rớt oan uổng vì thua điểm các thí sinh gian lận, để bảo đảm sự công bằng" - ĐB Nguyễn Mai Bộ đề nghị.

Chưa hài lòng với phần phát biểu của Bộ trưởng Phùng xuân Nhạ, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) xin tranh luận và đề nghị người đứng đầu ngành GD-ĐT xem xét, đánh giá tác động của việc gộp 2 kỳ thi THPT và đại học. Ông Giang đề nghị Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường đại học tự lo tổ chức các kỳ thi, kiểm soát sản phẩm đầu vào và đầu ra.

"Về bệnh thành tích trong giáo dục, có thể nói đây là căn bệnh "trầm kha" nhưng bộ trưởng đã không đề cập đến. Cử tri cần bộ trưởng có thái độ dứt khoát hơn để chấn hưng nền giáo dục nước nhà chứ không chỉ nhận trách nhiệm chung chung như đã trình bày"- ĐB Giang nêu.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng bộ trưởng nói kỳ thi THPT còn nhiều bất cập và cần khắc phục dần, tuy nhiên thực tế từ khi tổ chức thi chung thì bất cập liên tục bộc lộ và ngày càng trầm trọng hơn, đến kỳ thi năm 2018 thì "bung bét". 

Bền vững lao động và dân số

Phát biểu ở phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại QH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập những vấn đề phải làm ngay để đất nước phát triển bền vững trong tương lai. "Quốc gia phát triển bền vững có thể nêu 5 yếu tố: bền vững về chính trị, bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, bền vững về môi trường và cuối cùng là bền vững về lao động và dân số" - Bí thư Thành ủy TP HCM nói.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, do nhiều quốc gia không thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế, ví dụ Nhật Bản sau nhiều chục năm nỗ lực thì bây giờ mức sinh là 1,4 cháu/phụ nữ chứ không phải 2,1. Theo dự báo trong vòng 50 năm tới, dân số Nhật Bản giảm đi 40 triệu người, thiếu trầm trọng lao động, dư thừa năng lực về giao thông, trường học, bệnh viện và những quỹ an sinh xã hội, bảo hiểm có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì vậy, năm 2017 hội nghị Trung ương lần thứ VI đã có Nghị quyết 21 về vấn đề công tác dân số trong tình hình mới. "Đây là nghị quyết quan trọng và kịp thời, trong đó xác định mục tiêu duy trì vững sinh thay thế của đất nước là bình quân 2,1 trẻ/phụ nữ. Nội dung trong tình hình mới, chúng ta giảm mức sinh từ 4,3 xuống 2,1 cháu/phụ nữ trong các năm qua" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay.

Theo vị lãnh đạo của TP HCM, chúng ta có nên giảm dưới 2,1 trẻ nữa không, kế hoạch cũ đến năm 2020 còn bình quân 1,8 trẻ/phụ nữ? Mục tiêu như vậy không hợp lý nên nghị quyết Trung ương đã đề nghị thay đổi và đến ngày 31-12-2017, Chính phủ có Nghị quyết 37 về công tác dân số theo chỉ tiêu hàng đầu cũng là duy trì vững chắc sinh thay thế và coi dân số là một chỉ tiêu kinh tế - xã hội vận động mỗi vợ chồng sinh đủ 2 con.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu vận động như vậy là chưa đủ mục tiêu bình quân 2,1 trẻ/phụ nữ. Báo cáo thực tế ở đồng bằng sông Hồng mức sinh là 2,16 cháu/phụ nữ là tương đối ổn; Tây Bắc và vùng núi phía Bắc là 2,4 cháu/phụ nữ thì hơi cao; Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ là 2,3 cháu/phụ nữ hơi cao nhưng cũng đang cần thiết và Tây Nguyên là 2,4 cháu/phụ nữ.

"Chúng tôi kiến nghị cần có chuyển đổi nhận thức để có 2,1 cháu/phụ nữ thì phải có bộ phận sinh ba mới bù được, chúng ta phải có quy hoạch để không băn khoăn việc này" - ông nói.

Chậm đầu tư phát triển ĐBSCL

Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) cho rằng việc triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã được ĐBQH nhắc đến trong các lần thảo luận kinh tế - xã hội và chất vấn Chính phủ nhưng tốc độ triển khai rất chậm.

"Hội nghị ĐBSCL được tổ chức tháng 9-2017, tháng 11-2017 Chính phủ ra Nghị quyết 120 khá nhanh. Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi mới ban hành chương trình hành động và không biết đến khi nào sẽ thật sự được thực thi" - ông Xuân bày tỏ. Vị ĐB này nêu tiếp: "Rồi vấn đề quy hoạch ĐBSCL vẫn chưa xong. Lãnh đạo chính phủ cam kết đầu tư 1 tỉ USD vẫn chưa thấy, trong khi biến đổi khí hậu không thể chờ để chúng ta thích ứng".

ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (tỉnh Sóc Trăng) cho biết tại kỳ họp thứ 6 và 7, bà và nhiều ĐB vùng này có phản ánh nhưng trong danh mục bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 không thấy bố trí nguồn vốn để thực hiện. "Tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm sớm bố trí nguồn vốn để gia cố đê bao, phòng chống sạt lở, mở rộng, nâng cấp đoạn đường hẹp ngập trên tuyến Quốc lộ 1A để tạo sự đồng bộ và thông suốt trên toàn tuyến nhằm đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo