Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần nắng mới, ông ngoại lại mang cái vali đan bằng mây ra sân phơi. Cũng chẳng còn gì ngoài mấy cuốn sổ, một đôi giày bata trắng, một cái bút máy Parke… Tất cả kỷ vật của cậu tôi chỉ còn có thế.
Đứa con quý tử
Ông bà ngoại tôi có đến 9 người con nhưng chỉ có cậu là con trai. Bà kể nhờ cậu ra đời mà ông bỏ được rượu chè, cờ bạc. Số là mong mãi mà chẳng có người nối dõi, ông ngoại tôi đâm ra chán nản. Ruộng vườn lần lượt đội nón ra đi, còn lại mỗi cái nhà ông tôi cũng gán nốt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Chiều hôm đó đi cấy thuê về thấy thợ đang trèo lên dỡ mái, bà tôi lăn vào ôm chân họ gào khóc. Các dì tôi cũng lao vào ôm lấy mẹ khóc theo. Thấy tội nghiệp, họ bỏ về. Hơn một tháng sau, không còn đồng xu dính túi, ông tôi thất thểu trở về. Dọc đường nghe người ta bảo bà tôi sinh con trai, ông mừng quá cởi cả quần dài băng đồng mà chạy. Về tới nhà, ông lao vào ôm lấy cậu tôi khóc nấc lên và quyết làm lại cuộc đời từ hôm đó.
Cậu được ông tôi chăm chút, rèn cặp từng tí, nhất là việc học. Vốn thông minh, cậu thi đỗ cao đẳng tiểu học (tương đương lớp 5 bây giờ) vào năm 18 tuổi. Với làng Minh Lệ (bây giờ thuộc xã Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) của tôi bấy giờ, học được đến thế cũng đã là ghê gớm.
Thấy con "công thành danh toại", năm đó ông cưới vợ luôn cho cậu tôi. Mợ chúng tôi là con một gia đình gia giáo, đẹp nổi tiếng trong làng, tên Trần Thị Trất. Cuộc hôn nhân do gia đình hai bên xếp đặt. Trước đó, họ chẳng biết gì về nhau, vậy mà ngay sau khi cưới đã rất hợp nhau. Ông tôi khó tính lại gia trưởng, các dì tôi ai cũng sợ. Chỉ có mợ là hiểu được tính ông tôi, làm việc gì cũng khiến ông hài lòng. Ông tôi thường bảo: "Con gái là con người ta, con dâu mới thực con bà con ông".
Cậu mợ tôi lấy nhau được 2 năm thì diễn ra cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Gia đình ông bà ngoại tôi quanh năm quanh quẩn trong lũy tre làng nên chẳng hiểu biết gì nhiều về thời cuộc. Nên khi cậu tôi kể chuyện Việt Minh đã lật đổ chế độ phong kiến, mang ruộng đất trả cho dân cày thì ông tôi không tin, còn mắng cậu tôi là "đồ loạn chữ". Nhưng cậu tôi tham gia cách mạng thì ông tôi không phản đối. Một mình cậu tôi gánh ba chức: Trưởng ban quân lương, Trưởng ban bình dân học vụ, Xã đội trưởng.
Bận bịu suốt ngày nhưng hễ rảnh rỗi lúc nào là cậu lại lao vào việc ruộng vườn với các dì để ông tôi vừa lòng. Tuy vậy, dù cố tránh thì cha con vẫn không khỏi có lúc bất bình bởi có cậu trong nhà luôn luôn xảy ra những điều mới mẽ mà ông tôi chưa thể chấp nhận. Trong đó có việc cậu tôi dạy các dì học chữ.
Lâu nay ông tôi vẫn cho rằng con gái mà biết chữ thì chỉ giỏi cãi lại mẹ cha nên các dì tôi chẳng ai được đi học. Bây giờ thấy sự lạ đời đó, ông tôi nổi giận, ngăn cản. Tội nghiệp các dì tôi, học mà cứ phải lén lút như làm việc xấu.
Ra đi không hẹn ngày về
Tình hình ngày càng phức tạp. Thực dân Pháp ngày càng lấn tới, rồi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Quê tôi trở thành nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Khi giặc càn thì tất cả qua sông Nan, rút vào rừng. Chúng rút lại về.
Một buổi chiều, cậu tôi đang họp với mấy cán bộ xã thì bỗng nghe tiếng kẻng báo động dồn dập. Mọi người đều bật dậy chạy xuống đò qua sông. Đến đây thì cậu tôi chợt nhớ đã bỏ quên một tập tài liệu quan trọng ở nhà. Dù mọi người can ngăn, cậu vẫn quyết trở lại để tìm.
Sau khi cậu lấy tài liệu xong thì toán lính Pháp cũng vừa đến, cậu vội núp vào một lùm cây rậm rạp bên đường và gặp anh Đạnh, ông Xừ cán bộ xã và mấy người dân nữa bị kẹt lại trốn trong đó. Cậu tôi vừa yên chỗ thì một toán lính phía sau đi tới. Không nghĩ là có người, chúng cứ thản nhiên đi qua. Mọi người sắp thở phào thì bỗng nhiên một đứa trẻ khóc thét lên. Ba tên lính lập tức quay ngoắt lại lia một loạt đạn vào lùm cây. Anh Đạnh trúng đạn chết ngay. Thằng nhỏ càng sợ hãi khóc thét lên dữ dội.
Thấy nếu nằm im chắc chúng sẽ xả đạn bắn chết hết mọi người, cậu tôi quyết định bước ra. Ba tên lính chĩa súng hỏi trong đó có những ai? Cậu tôi trả lời rằng chỉ có mấy người dân thường có con nhỏ kẹt lại mà thôi…
Thấy đồng bọn đã đi xa, lại thấy cậu tôi nói tiếng Pháp lưu loát, biết là vớ được món bở, sợ du kích giành lại, chúng áp giải cậu tôi đi ngay.
Tối hôm đó, ông Xừ cầm cuốn sổ và chiếc bút máy của cậu đi tìm ông tôi để báo cái tin khủng khiếp kia. Mọi người như lả đi, chỉ có ông tôi là bình tĩnh.
Mặc mọi người ra sức can ngăn, ông cứ lầm lì mặc quần áo qua sông rồi theo con đường cái quan mà đi. Ông tôi nghĩ nếu chúng bắn cậu tôi dọc đường thì sẽ tìm thấy xác hoặc nếu chúng chưa bắn thì cũng biết tin tức về cậu tôi. Rất nhiều người nhìn thấy chúng giải cậu tôi đi qua, nhưng đưa về đâu thì không ai biết. Ông tôi cứ vừa đi vừa hỏi, ròng rã 2 ngày trời không ăn uống gì. Cho đến khi vấp phải con sông phân chia vùng kiểm soát giữa ta với địch, ông mới quay về.
Niềm tin bền chặt
Gia đình chúng tôi từ ngày đó rơi vào câm lặng. Không biết cậu tôi còn sống hay đã chết. Sự không rạch ròi đó đã tạo nên một sự đợi chờ phấp phỏng… Dẫu sao thì chỉ còn biết trông chờ vào một ngày đánh xong giặc Pháp mà thôi.
Thế rồi ngày ấy cũng đến. Cả làng còn ai sung sướng hơn gia đình tôi nữa. Mợ tôi tin chắc cậu sẽ về, đến nỗi mặc cả áo mới, chiều chiều lại ra gốc cây ổi ngóng cậu. Ngày một, ngày hai…, tháng rồi năm trôi qua, sự ngóng trông càng ngày càng vô vọng, mợ tôi càng ngày càng héo hắt.
Ông tôi bảo mợ: "Chồng con bị giặc bắt, sống chết ở phương trời nào chưa dễ lúc nào biết được. Con chờ chồng cũng kể đã hơn 10 năm rồi. Đàn bà con gái có thì. Cha nghĩ con nên…".
Không để ông tôi nói hết câu, mợ tôi òa khóc, chắp tay lạy ông tôi, xin cho mợ được sống chết chờ cậu. Nhưng ông tôi kiên quyết nếu mợ không chịu lấy chồng sẽ đuổi đi.
Một năm sau mệnh lệnh quyết liệt này, mợ tôi mới chịu đi lấy chồng với hai điều kiện: Một là, bên nhà trai làm lễ ăn hỏi mợ tại nhà ông tôi. Hai là, nếu cậu tôi còn sống trở về thì mợ sẽ về với cậu. Chồng mợ - một chàng trai hiền lành - đã chấp nhận cả hai điều kiện đó chẳng câu nệ gì.
Từ ngày mợ tôi đi lấy chồng, ông tôi yếu hẳn. Mợ dù bận công việc đến đâu cũng cứ một hai ngày lại băng đồng sang chăm sóc ông tôi.
Được một thời gian thì gia đình chồng mợ di cư vào Cự Nẫm (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cách nhà ông tôi đến 30 km nhưng tháng nào mợ cũng về thăm. Cho đến lúc này, mợ với ông bà tôi vẫn cứ tin rằng cậu còn sống. Lúc sắp mất, ông tôi còn cầm tay mợ dặn: "Thế nào rồi cũng hết chiến tranh. Nếu chồng con còn sống trở về, con hãy chạy ngay ra mộ báo cho cha. Lúc ấy nó có nói gì cũng mặc. Cha chết rồi thì còn mẹ, người sẽ chứng giám cho tấm lòng của con…". Một năm sau ngày ông tôi mất, mợ cũng qua đời trong một trận ném bom của Mỹ.
Sức khỏe bà ngoại tôi càng ngày càng yếu đi. Thấy bà tôi như ngọn đèn trước gió nên các dì tôi bàn nhau đi làm chế độ liệt sĩ cho cậu để bà được an ủi đôi phần. Trong quá trình làm hồ sơ, cán bộ thời đó cứ lờ đi. Họ đánh tiếng đến tai bà tôi rằng: "Để đó xem sao đã. Biết đâu ông ta đầu hàng, làm tay sai cho giặc ở trong Nam thì sao?". Mỗi lần như thế, bà tôi chỉ còn biết khóc. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà tôi chờ trong vô vọng 2 năm nữa mới qua đời. Và mãi đến năm 1986, cậu tôi mới được truy tặng liệt sĩ.
Họ đã ở bên nhau
Trong một lần về quê ghé thăm nhà ông bà ngoại, tôi lặng buồn khi nhìn bàn thờ cậu không ảnh, chỉ có mỗi tấm bằng "Tổ quốc ghi công" ghi tên liệt sĩ Hoàng Đăng Phông.
Chiều hôm đó, tôi ra nghĩa trang thắp hương cho cậu. Tôi sững người khi thấy cạnh mộ cậu là tấm bia ghi tên liệt sĩ Trần Thị Trất. Mẹ tôi cho hay chính chồng sau của mợ đã đưa mợ từ Nghĩa trang Liệt sĩ Cự Nẫm về.
Vậy là họ đã không xa rời nhau ngay cả khi chết. Trong nước mắt nhạt nhòa, tôi nghĩ: Nếu thế giới bên kia là có thật thì bây giờ cậu mợ tôi mới thật sự vĩnh viễn bên nhau…
Bình luận (0)