Mấy nét tiểu sử đó vẽ ra hành trình phiêu lưu bất định của người phụ nữ làm thơ Á Đông - Doãn Linh. Trong tập thơ "Khi đêm nở rộ như hoa" (Trúc - Ty dịch, Domino và NXB Văn học ấn hành năm 2020), cảm thức luân lạc của một cuộc đời sớm lìa bỏ quê hương bản quán, lạc lõng giữa một nền văn hóa, xã hội Tây phương xa lạ, hiển hiện thường trực giữa những dòng thơ như cố tình phớt tỉnh của bà.
Bìa tập thơ “Khi đêm nở rộ như hoa” xuất bản tại Việt Nam
Doãn Linh tự ví bản thân mình chỉ giống một phiên dịch viên - công việc bà làm trong nhiều năm. Nhưng đồng thời cũng là hình tượng ám chỉ sự dịch chuyển giữa các nền văn hóa mà bà hấp thụ.
Thế lưỡng phân khiến cho thơ Doãn Linh luôn có khát khao được định vị. Là một công dân quốc tế, nhà thơ thấy mình không tan được vào thế giới. Là đứa con của quê hương, nhà thơ thấy mình bị quê hương chối bỏ. Rốt cuộc, chỉ là một người phiên dịch, "trong không gian không bờ không bến", "trong thời gian vô thỉ vô chung?". Bà không cố cắm một chiếc cọc để dựng lên thi giới của mình trong đại dương bao la. Thơ bà như thả từng chiếc thuyền giấy ra ngoài biển cả, mong có người hữu duyên nhận được, đặc biệt có thể thấy trong những bài đoản thi mang âm hưởng Đường thi hay haiku của bà.
Nhưng Doãn Linh vẫn là hồn thơ đầy nữ tính, có mong muốn được giãi bày, dẫu thơ vẫn mơ hồ một niềm cay đắng: "Nụ hôn này vốn là nụ hôn tử biệt/ Chuyến đi này tôi không chiêm đoán ngày về". Dưới bài thơ đề năm 1969, năm bà rời Sài Gòn du học, khởi sự cuộc lữ thứ dặm dài của mình.
Dù Doãn Linh làm thơ bằng tiếng Hán, thứ ngôn ngữ hàm súc phù hợp với nội tâm dồn nén của thi sĩ, cũng như tính tạo hình trên văn bản thơ nhưng trong thơ của bà vẫn xuất hiện những địa danh như Mỹ Tho, Đà Lạt, Huế cạnh những Paris, Đài Bắc. Việt Nam vẫn là một niềm ám ảnh, từ ngày còn là thiếu nữ đến khi bước vào tuổi trung niên. Đối với Doãn Linh, viết thơ không chỉ là xác lập căn tính giới mà còn là định vị căn cước của mình.
Bình luận (0)