Ngày 28-7, UBND xã Tân Phước, thị xã La Gi (Bình Thuận) ban hành thông báo số 96/TB-UBND về việc không sử dụng xe bò vận chuyển khách du lịch trên bãi biển Cam Bình vì lo ngại ô nhiễm môi trường và mất an toàn. Một số ý kiến, trong đó có người cung cấp dịch vụ lẫn du khách, tỏ ra tiếc nuối trước quyết định này.
Cách TP HCM khoảng 160 km, biển Cam Bình (La Gi) đang nổi lên là địa chỉ du lịch biển hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ so với biển Mũi Né hay Vũng Tàu. Ngoài các hoạt động thể thao biển thì khám phá bãi biển bằng xe bò được xem là nét độc đáo riêng có của khu du lịch Cam Bình.
Cách đây khoảng 6 năm, một vài hộ dân tại xã Tân Phước sử dụng xe bò gia đình để chở khách đi dạo bãi biển Cam Bình theo yêu cầu. Dần dà, hoạt động khám phá bãi biển bằng xe bò phát triển nhanh và là điểm nhấn thu hút du khách. "Lúc cao điểm, du khách đặt xe dữ lắm. Cứ chuẩn bị đến Cam Bình là họ lại gọi trước cho mình để dặn xe bò chở đi tham quan. Vì các loại hình khác ở đâu họ cũng có thể tìm gặp nhưng dạo biển bằng xe bò thì hình như chỉ có mỗi Cam Bình" – anh Võ Minh Cường, hộ dân từng tham gia vận chuyển khách bằng xe bò, cho biết.
Hơn nửa tháng qua, chiếc xe bò của nhà anh Cường không còn được chở khách du lịch
Không riêng gì người cung cấp dịch vụ, các du khách đã từng đến biển Cam Bình cũng ấn tượng với việc di chuyển bằng xe bò để ngắm bãi biển. "Ba năm trước mình có đi với bạn bè đến đây và rất thích di chuyển bằng xe bò. Năm nay cả nhà lại đến đây để tắm biển, nghỉ dưỡng và cho các con cảm nhận du lịch bằng phương tiện độc lạ này. Nhưng khi đến nơi thì không còn thấy hoạt động nữa" – chị Phương Anh, một du khách từ TP HCM, tiếc nuối.
Theo quyết định của UBND xã Tân Phước, từ ngày 29-7-2022, dừng sử dụng xe bò để vận chuyển khách du lịch trên địa bàn với lí do hoạt động này có khả năng ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn. Theo xã Tân Phước, trước nay có khoảng 20 vụ việc va quệt, tai nạn từ hoạt động chở khách bằng xe bò, nhưng đa số đều nhẹ. Địa phương cho rằng bất cập nhất từ hoạt động này đó chính là môi trường biển bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi cũng hết sức trăn trở khi đưa ra quyết định cấm vì ảnh hưởng đến đời sống những hộ tham gia. Chúng tôi cũng nhận thức rằng vận chuyển khách bằng xe bò là nét độc lạ, hút khách nên khi số phương tiện phát triển nhiều cũng đã tính phương án cấp số ngày chẵn lẻ cho xe bò, phân tổ nhóm quản lý nhưng không hiệu quả. Khi bò phóng uế, bà con dùng cuốc lấp phân sơ sài, rồi nước cuốn trôi ra biển rất không hay cho du khách và môi trường" - ông Phan Trọng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, cho rằng vận chuyển khách bằng xe bò là hoạt động đơn giản, nếu đi sâu vô loại hình sản phẩm này thì sẽ mất đi nhiều sản phẩm cao cấp hơn, làm mất giá trị bãi biển. "Trước đây, hoạt động này xuất hiện tự phát rồi thỏa mãn thị hiếu của một lượng khách nhỏ thôi, chứ không phải là chất lượng của sản phẩm du lịch. Rồi khi hoạt động quản lý không tốt sẽ làm mất giá trị bãi biển. Riêng định hướng trong phát triển du lịch của Bình Thuận thì chúng ta hướng tới xanh và bảo vệ môi trường, chất lượng ngày càng cao lên" - ông Khoa nói.
Xe bò vận chuyển khách trên biển Cam Bình trước đây. Ảnh: Lê Long
Từ một vài hộ tham gia vận chuyển khách bằng xe bò đầu tiên vào năm 2016, hoạt động này phát triển nhanh, thời gian cao điểm lên đến gần 50 chiếc. Ngoài người dân tại xã Tân Phước, một vài hộ của xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) cũng đem xe bò xuống biển Cam Bình để kinh doanh.
Mỗi chuyến xe bò vận chuyển khách trên biển Cam Bình có chi phí 20.000 đồng/lượt khách/1km. Vào mùa cao điểm du lịch, hoạt động này đem lại thu nhập khá cho các hộ kinh doanh dịch vụ. Sau khi có chủ trương dừng, 27 hộ dân có xe bò vận chuyển khách tại xã Tân Phước có đơn kiến nghị xem xét cho hoạt động và đưa vào nề nếp cũng như đề xuất đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, các đề xuất này không được chấp nhận.
"Chúng tôi mong muốn việc vận chuyển khách bằng xe bò được hoạt động trở lại. Việc xử lí phân bò sẽ được chúng tôi cam kết đảm bảo môi trường. Ở Đà Lạt họ có chuyển khách bằng xe ngựa rất hay, xử lý phân được. Còn mất an toàn thì di chuyển bằng xe bò rất chậm nên khó gây tai nạn" - đại diện một hộ vận chuyển khách bằng xe bò tại biển Cam Bình nói.
Bình luận (0)