Sáng 31-7, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cài đặt, sử dụng phần mềm Bluezone nhằm cảnh báo tiếp xúc gần người mắc Covid-19.
Phần mềm cảnh báo tiếp xúc gần với người mắc Covid-19
"Phầm mềm này miễn phí, có trong ứng dụng điện thoại, dễ cài đặt nên không chỉ nhân viên y tế mà chúng tôi khuyến khích toàn người dân cài đặt phần mềm Bluezone để phát hiện việc tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19" - ông Nay Phi La nói.
Theo ông Nay Phi La, việc cài đặt phần mềm Bluezone nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện, truy vết các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, cung cấp thông tin hỗ trợ ngành Y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất, đảm bảo phòng chống dịch bệnh một cách chủ động.
Sở Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến, đồng thời yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cài đặt, sử dụng phần mềm Bluezone. Phần mềm sẽ cung cấp thông tin đa chiều, trực quan, giúp cho các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin kịp thời và hỗ trợ người dân phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Nữ sinh viên mắc Covid-19 ở Đắk Lắk
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, hệ thống phần mềm Bluezone được tổ chức thành 2 phần gồm có Trung tâm xử lý dữ liệu (viết tắt là Hệ thống) và Ứng dụng trên điện thoại của người dân (viết tắt là App).
Ứng dụng Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth BLE nhằm phát hiện người nhiễm qua Smartphone một cách nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém. Ứng dụng Bluezone khai thác trên nguyên tắc: Bảo mật dữ liệu (Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên máy, không chuyển thông tin lên hệ thống; Không thu thập vị trí: Ứng dụng không thu thập dữ liệu về vị trí của người sử dụng). Ẩn danh: Mọi người tham gia cộng đồng sẽ ẩn danh với những người khác. Minh bạch: Dự án được mở mã nguồn theo bản quyền GPL 3.0 giúp minh bạch các hoạt động của ứng dụng.
Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên cài đặt phần mềm cảnh báo tiếp xúc gần người mắc Covid-19
Ứng dụng cảnh báo cho bạn nếu tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, có thể ghi nhận tiếp xúc kể cả khi điện thoại đặt trong túi, tắt màn hình. Việc ghi nhận diễn ra hoàn toàn tự động, đảm bảo tính riêng tư vì mã số truyền giữa hai điện thoại thay đổi liên tục, không định danh.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng hướng dẫn 7 bước xử lý trong trường hợp nhân viên y tế đã phát hiện người nhiễm Covid-19.
Tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên là một nữ sinh viên học ở TP Đà Nẵng. Ngành Y tế Đắk Lắk đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm trước 34 trường hợp là F1 của nữ sinh viên mắc Covid-19 và cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Bình luận (0)