Đại diện Sở TN-MT cho biết hiện có 4 nhóm đối tượng khai thác nước ngầm dưới lòng đất gồm hộ gia đình, doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, doanh nghiệp bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, với tổng khối lượng khai thác năm 2018 khoảng 716.581 m3/ngày. Sau hơn 4 năm với nhiều giải pháp đồng bộ, lượng nước ngầm khai thác đã giảm từ 716.581 m3/ngày còn 264.581 m3/ngày (đạt tỉ lệ 73,3%).
Công ty cấp nước trám lấp giếng ở quận Tân Phú, TP HCM
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm lượng nước ngầm khai thác còn 100.000 m3/ngày cho tất cả các nhóm đối tượng khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố bằng nhiều giải pháp. Cụ thể như tuyên truyền đến các hộ dân, doanh nghiệp; nâng cấp mạng lưới cấp nước; rút ngắn thời hạn giấy phép khai thác nước ngầm; thu thuế sử dụng nước ngầm...
Theo đại diện Sở TN-MT, quá trình thực hiện giảm khai thác nước ngầm còn một số khó khăn. Sở TN-MT đề xuất UBND TP HCM xem xét, thực hiện đề án "Hỗ trợ kinh phí trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn TP HCM"; chỉ đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sớm phủ kín mạng lưới cấp nước, bảo đảm áp lực và chất lượng nước cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng...
Ghi nhận những đề xuất của Sở TN-MT, ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, nhấn mạnh nguồn nước ngầm là tài nguyên, nếu khai khác quá mức sẽ gây sạt lở. Với những đơn vị quản lý nguồn nước, ông Thanh đề nghị cần phân vùng như vùng nào cần hạn chế, vùng nào có thể khai thác để không lãng phí tài nguyên.
Qua thực tế ghi nhận gần như các khu công nghiệp tại huyện Củ Chi chủ yếu sử dụng nước ngầm, ông Thanh đề nghị Sở TN-MT kiểm tra xem việc khai thác này có ảnh hưởng, gây nguy cơ sạt lở không.
Song song với hạn chế khai thác nước ngầm, Phó trưởng Ban Đô thị cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng nước sạch. Với những nơi thiếu nước sạch, ông Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc cung cấp nước sạch cho người dân.
Bình luận (0)