Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu. Trong đó, việc làm của ông Phạm Văn Ray (SN 1960 - nông dân, ngụ ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) là nổi bật, như chuyện cổ tích giữa đời thường.
Nhẹ nhàng cho đi 9.000 m2 đất
Việc đầu tiên phải kể đến là nông dân Phạm Văn Ray đã nhẹ nhàng hiến gần 1 ha đất để làm đường giao thông nông thôn. Nhìn con đường bê-tông sạch đẹp trước cửa, ông Trần Văn Hưởng (người dân ấp Lạc Sơn) nói trước khi mở tuyến đường này, hàng chục hộ canh tác tại khu vực Trạm 11, ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung phải đi theo các con đường tạm nhỏ hẹp trong lô cao để vào rẫy nhà mình. "Khi vào mùa mưa, con đường đất đỏ sình lầy, ngập nước khiến các xe vận chuyển nông sản di chuyển khó khăn. Thấy được nỗi vất vả của bà con, không ngần ngại ông Ray đã đi đến quyết định khiến bà con chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, đó là hiến 9.000 m2 đất để làm con đường bê tông như ngày nay" - ông Hưởng kể. Ông Hưởng cho hay không riêng gì bản thân mà hàng chục hộ dân nơi đây rất biết ơn ông Ray.
Ông Phạm Văn Ray (giữa) cùng người dân vui mừng khi đi trên con đường mới mà gia đình ông hiến đất, góp tiền để phục vụ cộng đồng
Theo ông Phạm Văn Sơn, Thường trực Đảng ủy xã Quang Trung, nhiều nơi, người dân xảy ra mâu thuẫn vì tranh giành đất đai, thậm chí lối đi, cái ranh đất. Do đó, việc làm của gia đình ông Ray rất đáng quý. Những đóng góp, ủng hộ từ những người dân như ông đã góp phần quan trọng giúp xã thực hiện đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương. "Nhìn con đường giao thông dài hơn 1,5 km, rộng 6 m sạch sẽ, khang trang mà nhiều người không khỏi mát lòng. Từ khi có con đường, đời sống của cả trăm hộ dân thêm nhiều cơ hội phát triển, do thương lái đến tận vườn để lựa chọn mua nông sản giá cao" - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, nếu nói về sự thay da đổi thịt ở địa phương thì con đường có phần đất do ông Ray hiến là một minh chứng; con đường không chỉ được bê-tông hóa mà còn được tạo cảnh quan rất đẹp mắt bằng hàng cây xanh thẳng tắp chạy dọc hai bên.
Không chỉ hiến đất làm đường, ông Phạm Văn Ray còn là nông dân sản xuất giỏi. Tổng thu nhập hằng năm từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Ray từ 2 tỉ đến 3 tỉ đồng
Nói về việc mình làm, ông Ray nhẹ nhàng chia sẻ rằng là người nông dân, ông hiểu rõ được giá trị của tấc đất tấc vàng và diện tích đất mà gia đình ông hiến thời điểm hiến đất có giá trị hàng tỉ đồng. Thế nhưng, bản thân ông cũng nhìn thấy nếu ông không hy sinh một phần lợi ích của mình thì tuyến đường của xã sẽ không hoàn thành được. Trong khi, làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có gia đình ông.
Hạnh phúc là biết sẻ chia
Không chỉ hiến đất làm đường, ông Ray còn tự nguyện đóng góp 500 triệu đồng (đóng góp hơn một nửa số tiền mà các hộ dân phải đóng) để cùng với nhà nước bê- tông hóa con đường. Đặc biệt, khi thấy bà con láng giềng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, ông Ray đã ứng ra 500 triệu đồng để giúp bà con kéo đường điện hạ thế để có điện trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ấp Lạc Sơn.
Theo ông Ray, khi con đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhìn người dân trong ấp, trong xã không phải vất vả lội sầy lình khi đi lại, ông cảm thấy rất phấn khởi vì mình đã quyết định đúng, làm một việc ý nghĩa. "Khi con đường này hoàn thành với đường điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất bài bản, người vui nhất là tôi, vì tôi đã vượt qua được cái nhỏ hướng đến cái lớn lao, đó là vì cộng đồng" - ông Ray nói.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung Nguyễn Thị Thanh Lê, những đóng góp lớn lao của người dân, đặc biệt là ông Ray đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, trên địa bàn ấp Lạc Sơn có khoảng 360 hộ dân, trong đó số hộ có thu nhập khá trở lên đã chiếm hơn 30%.
Về khu dân cư kiểu mẫu ấp Lạc Sơn những ngày này, ai cũng dễ dàng nhận thấy những con đường bàn cờ khang trang sạch đẹp xuất hiện đều khắp ở thôn, ấp. Hai bên những con đường bàn cờ là nhà cửa khang trang. "Đường sạch đẹp, cây cối xanh tươi, được chăm sóc và cắt tỉa gọn gàng, hoa nở điểm tô cho làng quê trù phú. Đó là kết quả sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân ấp Lạc Sơn trong việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó không thể không kể đến những con người luôn sống hết mình vì cộng đồng như ông Ray" - Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung nhìn nhận.
Người truyền cảm hứng
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất, không chỉ hết lòng vì cộng đồng, ông Phạm Văn Ray còn là một trong những gương điển hình nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền và được đề xuất Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai khen thưởng cấp huyện và cấp tỉnh. "Nói đến ông Ray là nói đến người nông dân luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tích lũy được trong sản xuất nông nghiệp đến các hội viên, nông dân khác để cùng nhau làm giàu, xây dựng quê hương" - ông Vinh nhận xét.
Theo ông Vinh, những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của ông Ray thực sự là vốn quý, bởi nhờ nó ông Ray trở thành… tỉ phú nông dân! Nhưng khi được hỏi, ông Ray luôn khiêm tốn trả lời: Điều đó bình thường thôi! Ông kể gia đình ông trước đây có 14 ha đất trồng cây cao su, dù không giàu nhưng cũng đủ sống. Tuy nhiên với quyết tâm làm giàu trên quê hương của mình, sau thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Ray đã mạnh dạn chuyển đổi hết diện tích đất sang trồng sầu riêng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, vườn cây đã phát triển xanh tốt. Ngoài ra, để tối ưu hóa hiệu quả, ông Ray còn kết hợp chăn nuôi vịt, heo bằng các trại lạnh. Do đi tắt đón đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mà tổng thu nhập hằng năm từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Ray từ 2 tỉ đến 3 tỉ đồng.
Thấy cách làm của ông Ray, nhiều người tìm đến học hỏi. Với ai ông cũng tận tình truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi cây trồng vật nuôi. "Tôi mong muốn bà con xung quanh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng và chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng chuyển đổi cây trồng, cải thiện kinh tế gia đình, qua đó tạo nên chuỗi liên kết vùng tại địa phương" - ông Ray kỳ vọng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất, qua tấm gương của ông Ray, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. "Có thể khẳng định phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong đó có ông Ray là người truyền cảm hứng, đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân ở địa phương" - ông Nguyễn Thế Vinh đánh giá.
Thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lê, Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung, có thể nói ông Phạm Văn Ray là tấm gương đi đầu vì sự phát triển chung của địa phương.
Những tấm gương như ông Ray vẫn đang ngày ngày hăng say lao động, tích cực tham gia vào các công việc chung ở địa phương. Những hành động đẹp, những việc làm ý nghĩa của người nông dân ấy đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức cũng như nâng cao trách nhiệm của người nông dân trong thời đại mới. Qua đó, xây dựng và phát triển quê hương Thống Nhất ngày càng giàu mạnh văn minh, góp phần không nhỏ vào thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Quang Trung.
Bình luận (0)