Những ngày qua, việc UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích quốc gia Yên Tử không nhận được sự đồng tình của người dân, du khách. Việc thu phí này áp dụng từ ngày 1-1-2018, có mức thu 40.000 đồng/lần với người lớn và 20.000 đồng/lần với trẻ em.
Cần phân biệt vãn cảnh và lễ Phật
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết qua hơn nửa tháng thu phí, tính đến ngày 16-1, số lượng du khách về tham quan, vãn cảnh di tích quốc gia Yên Tử đạt 14.271 lượt người, trong đó có 13.288 người lớn, gần 1.000 trẻ em.
Phật tử, du khách hành hương, vãn cảnh Yên Tử phải đóng phí tham quan
Để phục vụ cho việc thu phí, UBND TP Uông Bí đã đặt 2 điểm thu vé tại trạm thu vé cáp treo của Công ty Tùng Lâm và một điểm thu vé du khách đi bộ ở lối đi lên chùa Giải Oan.
Theo ông Dũng, từ ngày thu phí đầu tiên đến nay, số lượng du khách vẫn không giảm, thậm chí còn tăng hơn so với cùng thời điểm năm 2017. Ông Dũng còn khẳng định số đông du khách đồng tình với việc mua vé tham quan thắng cảnh Yên Tử.
Dù vậy, không ít du khách, phật tử tỏ ra chưa hài lòng về việc phải bỏ tiền vào thăm di tích và giá vé như phát biểu của ông Dũng. Bà Nguyễn Kim Nga (ngụ quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho rằng TP Uông Bí đã quá vội vàng khi tổ chức thu phí trong khi tuyến đường dẫn vào khu di tích Yên Tử vẫn đang ngổn ngang, gây nhiều khó khăn trong việc di chuyển của phật tử và du khách. Riêng việc đã thu phí, bà Nga góp ý: "Chính quyền cần công khai, minh bạch các khoản thu - chi từ hoạt động thu phí tham quan. Cần phải phân biệt vãn cảnh và lễ Phật chứ không thể đánh đồng để thu phí như thông báo của UBND TP Uông Bí".
Trong khi đó, theo Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, các tín đồ phật tử là những người thường xuyên công đức để góp phần tôn tạo, xây dựng Yên Tử được như ngày nay, nên việc thu phí với họ tại Yên Tử là chưa hợp lý. Đó là chưa nói khi hành hương, vãn cảnh Yên Tử, phật tử, du khách đã phải trả phí gửi xe, phí cáp treo, xe điện… Do đó, nếu có thêm phí tham quan sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí.
Thu để có ngân sách
Ông Trần Văn Lâm, Bí thư TP Uông Bí, cho hay trước đây, Quảng Ninh từng thu phí tham quan Yên Tử và dừng từ năm 2007. Giải thích lý do vì sao thu phí trở lại, ông Lâm nói từ nhiều năm nay, ngân sách nhà nước phải bỏ ra những khoản lớn để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nuôi bộ máy Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Việc thu phí trở lại nhằm giảm một phần gánh nặng cho ngân sách.
Theo ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, việc thu phí tham quan di tích Yên Tử thực hiện theo Nghị quyết số 88/2017/NQ-HĐND được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua ngày 13-12-2017. Theo nghị quyết này, 80% kinh phí thu được sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP; 20% còn lại chi cho các hoạt động đầu tư, tôn tạo, quản lý di tích này.
Ông Đạt chia sẻ trong những năm qua, số lượng các hạng mục trong quần thể di tích Yên Tử rất lớn, nhiều công trình di tích đã bị xuống cấp hoặc chỉ còn là phế tích đòi hỏi cần được duy tu, tôn tạo, nâng cấp và quản lý thường xuyên. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước có hạn nên việc đầu tư, tôn tạo khó khăn. Hơn nữa, nguồn thu từ tiền công đức, tiền giọt dầu của du khách đến với Yên Tử đều do Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp quản lý và sử dụng, chưa được sử dụng vào việc đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh Yên Tử (trừ việc tôn tạo chùa Đồng, Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông). Thêm vào đó, gần đây, lượng khách về Yên Tử ngày một tăng, bình quân hằng năm đón tiếp trên 1,5 triệu lượt khách nên đòi hỏi phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động như: tham quan, vãn cảnh, quản lý văn hóa, dịch vụ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, vệ sinh môi trường, tổ chức và quản lý lễ hội, trùng tu tôn tạo và đầu tư hạ tầng khu di tích... Theo ông Đạt, vì những lý do trên, 100% đại biểu HĐND đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết số 88/2017/NQ-HĐND, cho phép thu phí trở lại đối với di tích quốc gia Yên Tử.
"Đâu phải phí thăm chùa"
Theo ông Hồ Văn Vịnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, việc HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết số 88/2017/NQ-HĐND căn cứ vào quyền hạn, trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh và căn cứ vào Luật Phí và Lệ phí 2015. "Có ý kiến cho rằng việc thu phí tham quan Yên Tử là can thiệp vào tự do tín ngưỡng. Nói như vậy là không đúng bởi đây là thu phí tham quan danh lam thắng cảnh chứ đâu phải phí thăm chùa" - ông Vịnh quả quyết.
Bình luận (0)